NỖ LỰC NGĂN CHẶN KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP

Kỳ 2: Quyết liệt và cứng rắn hơn

Thứ Sáu, 22/04/2022, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNN, các đơn vị quân đội và chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Ngư dân chuyển hải sản từ khoang tàu xuống để đưa đi tiêu thụ tại cảng Bến Đá (phường 5, TP. Vũng Tàu).
Ngư dân chuyển hải sản từ khoang tàu xuống để đưa đi tiêu thụ tại cảng Bến Đá (phường 5, TP. Vũng Tàu).

Cố tình khai thác trái tuyến

Mặc dù tình trạng tàu cá và ngư dân BR-VT vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài có giảm, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cụ thể, năm 2021 và 2 tháng đầu năm nay, có 5 vụ/8 tàu cá/92 ngư dân trên địa bàn tỉnh bị lực lượng chức năng Indonesia và Malaysia bắt giữ do đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng, đồng thời tước bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 6 tháng đối với 4 thuyền trưởng, tịch thu ngư cụ đối với 2 tàu cá.

Về nguyên nhân vẫn còn tình trạng nêu trên, BĐBP tỉnh cho biết, ngoài nguyên nhân chủ yếu do thiếu hiểu biết pháp luật và áp lực về lợi ích kinh tế, một số trường hợp do sơ ý hoặc do lợi ích trước mắt đã cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển giáp ranh nước ngoài. Ngoài ra, nhiều chủ tàu cá bỏ vốn đóng tàu rồi thuê thuyền trưởng điều khiển và giao tự tổ chức đánh bắt nên một số trường hợp cố tình qua mặt chủ tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp để tăng sản lượng.

Theo ông Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2, các tàu thường tập trung thành từng nhóm, tháo hết hệ thống giám sát hành trình AIS để lắp sang một tàu khác hoạt động trong khu vực của ta nhằm che mắt các lực lượng chức năng.

Một số tàu thường lợi dụng đêm tối để sang vùng biển nước ngoài khai thác. Thậm chí có tàu còn dùng số hiệu giả, không có tên trong danh sách đăng ký, quản lý tại địa phương hoặc xuất bến tại địa phương khác gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.

Ngoài ra, khi bị bắt giữ, ngư dân sợ bị truy cứu trách nhiệm nên khai báo thông tin nhỏ giọt, thiếu trung thực, gây nhiều khó khăn, tạo nhiều “lỗ hổng” trong công tác xác minh, điều tra, xử lý sai phạm.

Khi được hỏi về lý do có ý định đưa tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản, ngư dân L.T.T. (tàu cá BV 9888 TS) tâm sự: “Trước đây, ngư trường truyền thống đầy hải sản, hễ cứ ra khơi là cá, tôm đầy khoang. Tuy nhiên vài năm gần đây, ngư trường ngày càng cạn kiệt thủy hải sản, nhiều chuyến hễ gặp con gì ăn được, bán được thì bắt ngay đưa vào bờ bán lấy tiền cho đỡ lỗ. Cũng chính vì sợ lỗ nên nhiều khi bắt gặp được luồng cá là chúng tôi chạy theo luồng để khai thác mà quên cả việc tàu xâm phạm vùng biển nước bạn”, ông T. nói.

Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện hoạt động ra vào trên các cửa sông, cửa biển. Thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình công tác kiểm soát Biên phòng (5 kiểm, 1 chứng), nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các tàu cá, ngư dân có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Đồng thời, thường xuyên duy trì sinh hoạt các Tổ tàu thuyền đoàn kết nhằm vận động ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không lắp đặt, sử dụng thiết bị nhận dạng hàng hải (AIS) có mã MMSI của nước ngoài trái phép.

Cần quản lý chặt tàu cá

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tình trạng tàu cá xâm phạm, khai thác ở vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ là một trong những nguyên nhân chính khiến Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với nguồn gốc hải sản xuất khẩu của Việt Nam. EC cũng đã từng nêu ý kiến nếu tàu cá Việt Nam tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, phía EC tiếp tục khẳng định không gỡ “thẻ vàng” nếu tình trạng này không chấm dứt. Vì vậy, việc ngăn chặn và tiến tới giải quyết triệt để được vấn đề tàu cá khai thác ở vùng biển ở nước ngoài đang là bài toán đặt ra cho ngành thủy sản và các cơ quan chức năng, các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế trên, ngày 13/1/2022, UBND tỉnh ban hành công văn số 413/UBND-VP về việc chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh tăng cường nắm tình hình, xác minh, điều tra, củng cố hồ sơ, khởi tố, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, mốc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các hành vi gian lận trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, lợi dụng tàu cá khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép và khởi tố vụ án hình sự theo quy định. Đồng thời quản lý chặt số ngư dân bị bắt được nước ngoài trả về nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp bị nước ngoài hoặc các thế lực thù địch tác động, mua chuộc, lôi kéo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đối với các huyện, thành phố ven biển cần phối hợp chặt chẽ với BĐBP và các sở, ban, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác vùng biển nước ngoài. Trong đó, UBND cấp xã là lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động đến trực tiếp từng nhà, chủ tàu cá, đặc biệt là các chủ tàu cá đã từng vi phạm khai thác IUU. Đồng thời có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm bắt địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, Sở NN-PTNT đã giao Chi cục Thủy sản tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương rà soát danh sách từng trường hợp, những trường hợp tàu cá còn hoạt động, thì phải yêu cầu lắp đặt ngay thiết bị giám sát hành trình. "Những tàu không còn hoạt động thì xóa khỏi danh sách, những tàu tạm ngưng hoạt động báo cáo lý do chưa lắp đặt để có biện pháp xử lý theo quy định”, ông Lê Tòng Văn nói.

Theo Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển trao đổi thông tin, nắm tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để phục vụ công tác điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.