BR-VT vào top 10 bảng xếp hạng PCI

Thứ Tư, 27/04/2022, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT xếp vị trí thứ 9 trên bản xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Đây là vị trí xếp hạng cao nhất từ năm 2017 đến nay của BR-VT. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.

Đạt mục tiêu lọt vào top 10

Theo kết quả công bố Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức  ngày 27/4 tại Hà Nội, với tổng 69,03 điểm, BR-VT xếp  thứ 9/63 tỉnh thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2020 và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất. Như vậy trong 3 năm gần đây, BR-VT liên tục được tăng hạng. Năm 2019, nâng lên được 5 bậc so với  năm 2018. Năm 2020 nâng được 1 bậc. Năm 2021, BR-VT nhảy vọt tăng 6 bậc so với năm 2020. Đây là mức cao nhất BR-VT đạt được trong vòng 5 năm qua. Kết quả này giúp BR-VT vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ, chỉ sau Bình Dương (thứ 6) và vượt qua TP. Hồ Chí Minh (thứ 14).  Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 73,02 điểm. Tiếp đến là Hải Phòng, Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để có kết quả trên, trong năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt trong năm 2021, cũng như nhiều địa phương khác BR-VT chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 buộc chính quyền địa phương phải điều chỉnh phương thức hoạt động, quản lý, điều hành giúp người dân, DN vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, tỉnh tập trung nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài việc cắt giảm các thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh còn tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN, nhà đầu tư. Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của DN đã kịp thời được tháo gỡ.

Các DN đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các cấp BR-VT trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN. Trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu thủy sản tại huyện Long Điền
Các DN đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các cấp BR-VT trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN. Trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu thủy sản tại huyện Long Điền

PCI là một bộ chỉ số tổng hợp gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Xét trên bảng tổng sắp cho thấy hầu hết các chỉ số của BR-VT trong năm qua đều tăng điểm. Trong đó có nhiều chỉ số tăng điểm mạnh như chỉ số tiếp cận đất đai tăng từ 6,84% lên 7,01%; chỉ số tính minh bạch tăng từ 5,64 điểm lên 6,07 điểm; chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN tăng từ 6,22 điểm lên 7,81 điểm…  Chỉ có 3 chỉ số giảm điểm so với năm 2020 là chỉ số gia nhập thị trường giảm từ 7,10 điểm xuống còn 6,48 điểm; chỉ số đào tạo lao động giảm từ 7,07 điểm xuống còn 6,56 điểm; chỉ số chi phí thời gian giảm từ 8,45 xuống còn 8,00 điểm.

Đáng chú ý, theo Sở TN-MT, trong 5 năm liên tiếp từ 2017 đến nay, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh BR-VT liên tục tăng điểm, trừ năm 2020 giảm nhẹ. Để đạt được kết quả này là nhờ ngành TN-MT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: ban hành kế hoạch nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai tỉnh hàng năm; cắt giảm TTHC; ban hành quy chế phối hợp trong việc liên thông thuế điện tử với Cục Thuế tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thủ tục cấp GCNQSDĐ… Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục đạt ở mức cao trên 99%.

 

ÔNG NGUYỄN VĂN THỌ, CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Phải phấn đấu vươn lên thứ hạng cao hơn nữa
BR-VT được xếp hạng thứ 9, nằm trong top 10 tỉnh thành có chỉ số PCI cao nhất năm 2021 là một bước tiến quan trọng khẳng định niềm tin của người dân, DN vào môi trường đầu tư tại BR-VT. Thành quả đó chính là cả một quá trình dài nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị 05/CT- UBND về việc cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2020 - 2025.
Thời gian tới, mục tiêu của BR-VT không chỉ là trong top 10 mà phải ở thứ hạng cao hơn nữa. Trước mắt, có 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay. Đầu tiên là tiếp tục rà soát quy trình thủ tục, thời gian giải quyết, không để tồn động hồ sơ. Tiếp đến là tập trung đào tạo đội ngũ tinh gọn, năng lực, năng động, hiệu lực, hiệu quả trong xử lý công việc. Song song đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý hồ sơ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ chức, bộ máy, cá nhân; đơn vị nào làm tốt thì được tuyên dương; Đơn vị nào làm chưa tốt thì có giải pháp đào tạo lại. Với các chỉ số nào giảm điểm thì cần phải xem xét, đánh giá lại để có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế để giúp BR-VT vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng PCI những năm tới.

Giảm bớt gánh nặng chi phí không chính thức

Điều tra PCI của cả nước trong năm qua cho thấy, trong bối cảnh năm 2021 khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian, theo đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng. Các chỉ tiêu đánh giá chi phí không chính thức đã tiếp đà xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021 có 41,9% DN FDI cho biết không chi trả chi phí không chính thức, đây là con số tích cực nhất từ năm 2020 trở lại đây. Tuy vậy vẫn còn 1,7% DN phải dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, nhích nhẹ so với năm 2020 là 1,2%.

Sản xuất giấy tại Nhà máy giấy Sài Gòn.
Sản xuất giấy tại Nhà máy giấy Sài Gòn.

Tương tự, các DN không thuộc khối FDI cũng cho biết năm 2021 họ phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong  khi những năm trước đó chi phí không chính thức chỉ có 2,1%.  “Đây là những vấn đề cần khắc phục, nếu không DN có lợi thế sẽ không phải là DN kinh doanh giỏi mà là DN quan hệ tốt”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận xét.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo các địa phương chia sẻ, để giảm chi phí không chính thức, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà DN của một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng giúp các bên mời thầu, nhà thầu tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian và các chi phí thực hiện TTHC; rà soát, điều chỉnh, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không cần thiết đối với DN.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

----------------

ÔNG LEE CHANGKEUN, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ZINC OXIDE CORPORATION VIỆT NAM (KCN CHUYÊN SÂU PHÚ MỸ 3, TX. PHÚ MỸ)
DN được hỗ trợ rất nhiều
Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi được đầu tư tại tỉnh BR-VT, vì nơi đây có hệ thống cảng nước sâu hiện đại, các dịch vụ hạ tầng trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đạt tiêu chuẩn quốc tế, nguồn điện ổn định, nguồn nước sạch dồi dào để phục vụ cho công nghiệp nặng như lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải nguy hại như chúng tôi.
Khi đến đầu tư tại tỉnh DN luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Cụ thể, khi xây dựng nhà máy tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, chúng tôi được tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ về các thủ tục đầu tư, được ưu đãi về thuế như thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu… Chúng tôi nhận thấy, sự hình thành và phát triển các KCN tập trung đã tạo sức hút các ngành có lợi thế như công nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu, gắn liền với phát triển hệ thống cảng, tạo sự đa dạng về sản phẩm 
công nghiệp.
 
 
ÔNG HOÀNG NGỌC LINH, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ DU LỊCH VŨNG TÀU XANH
Kịp thời đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các DN, nhà đầu tư để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó đã tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
 
 
ÔNG ĐỖ CÔNG KHANH, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP GEMADEPT (CHỦ ĐẦU TƯ CẢNG GEMALINK)
Chúng tôi thấy rất yên tâm
BR-VT là địa phương luôn chủ động tháo gỡ những vướng mắc của DN gặp phải trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Riêng Cảng Gemakink nói riêng và các dự án khác nói chung trong quá trình xây dựng và đi vào hoạt động nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết. Dự án sau khi đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực, tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, DN đến tìm hiểu đầu tư vào địa bàn tỉnh.
 
ÔNG ĐÀO HOÀI BẮC, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP LIÊN HỢP MÊ KÔNG (KCN ĐÔNG XUYÊN, TP. VŨNG TÀU)
Tỉnh luôn hỗ trợ, đồng hành cùng DN
Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, tạo sự thông thoáng cho các DN đang hoạt động cũng như các DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các sở, ban, ngành cũng thường xuyên hỗ trợ DN trong các thủ tục và tạo thuận lợi để DN đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Mặc dù vậy, thời gian tới mong tỉnh tiếp tục có những giải pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động đối thoại với DN để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn của DN, nhất là các chính sách hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thanh Nga, Vân Anh (Ghi)
;
.