Tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) năm 2022 diễn ra vào sáng 30/3, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 29 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3-4 sao.
Các sản phẩm OCOP của huyện Châu Đức và Đất Đỏ tham gia đánh giá, phân hạng trong đợt này. |
Lựa chọn sản phẩm đặc trưng, chất lượng
Là một DN có 3 sản phẩm, gồm: đông trùng hạ thảo x3, ruby, đông trùng hạ thảo x3 gold và x3 premium tham gia đánh giá, phân hạng ở mức 4 sao, Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Trung Nhân (xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) có quy mô sản xuất tối đa lên tới 6ha, năng lực sản xuất lên tới 5 tấn/năm, hiện đang cung ứng ra thị trường 1 tấn/năm đã không ngừng hoàn thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Nhật Nhân, Trưởng phòng Kinh doanh công ty cho biết, hiện các sản phẩm tham gia “gắn sao” trong đợt này đều đạt chứng nhận HACCP, khâu nuôi trồng đã được cấp chứng nhận VietGap, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các khâu đầu vào và đầu ra sản phẩm đều bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn.
Trong khi đó, Công ty TNHH SXTM Vinh Danh (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) hiện cũng đang phân phối ra thị trường 4 loại sản phẩm được chế biến từ hạt điều. Trong đó có 3 sản phẩm, gồm: hạt điều mật ong, hạt điều rang muối, hạt điều rang muối vỏ lụa tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong đợt này. Sản phẩm đã được địa phương đánh giá ở mức 4 sao.
Để đạt được các tiêu chí OCOP, công ty đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện bao bì, mẫu mã. Ngoài quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, vệ sinh an toàn thực phẩm, công ty cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu đầu vào. Các sản phẩm của công ty đều sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, được kiểm nghiệm và đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch và đưa vào sản xuất.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, năm nay địa phương có 10 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh. Các sản phẩm tham gia đều đã được địa phương đánh giá sơ bộ ở mức 3 sao và tiềm năng lên 4 sao. Đối với việc “gắn sao” cho các sản phẩm năm nay, địa phương ưu tiên các sản phẩm thuộc HTX, các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc sắc của địa phương. Cũng theo ông Khởi, rút kinh nghiệm từ năm trước, địa phương đã lựa chọn các sản phẩm đặc trưng có đầy đủ các tiêu chí theo quy định của bộ tiêu chí đánh giá, ưu tiên sản phẩm có thương hiệu, mang tính cộng đồng cao và mang bản sắc của địa phương.
Sản phẩm rau xanh Diệp Châu của tổ liên kết SX rau xanh Diệp Châu Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. |
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP
Sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh hiện đã có 50 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3 - 5 sao, trong đó có 21 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận.
Năm nay, có 29 sản phẩm của 15 chủ thể thuộc 4 địa phương, gồm: TP. Bà Rịa, huyện Châu Đức, Đất Đỏ và Xuyên Mộc tham gia đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao. Các sản phẩm được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí theo quy định của Chính phủ gồm 3 phần: các tiêu chí về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng); các tiêu chí về khả năng tiếp thị (tiếp thị và câu chuyện sản phẩm); các tiêu chí về đánh giá chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế…). Các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải trải qua đánh giá và phân hạng từ 1 - 4 sao ở cấp huyện, cấp tỉnh và đề xuất 5 sao lên cấp Trung ương theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành một cách khách quan, chặt chẽ, đúng quy định. Các sản phẩm được đánh giá, phân hạng qua 3 năm sẽ được đánh giá, nâng cấp sản phẩm 1 lần.
Trong 29 sản phẩm phân hạng,
có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao
Cụ thể, các sản phẩm 4 sao, gồm có: sản phẩm hạt điều mật ong, hạt điều rang muối vỏ lụa và hạt điều rang muối (Công ty TNHH SXTM Vinh Danh, huyện Châu Đức); nấm đông trùng hạ thảo khô Vinabiomush, trà túi lọc đông trùng hạ thảo Vinabiomush (Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam, huyện Châu Đức); khô cá đù bạc thơm, khô cá chét thơm, khô cá đù vàng thơm, khô cá sóc trắng thơm, cá đù 1 nắng (DN tư nhân Thuận Du, huyện Đất Đỏ); nhàu khô sấy lạnh, nước cốt nhàu (Công ty NN và Dược liệu Phong Thảo, huyện Xuyên Mộc); chocoLaria mikl 35, chocoLaria mikl 70 (Cơ sở sx chocolate Laria, huyện Châu Đức); trà đông trùng hạ thảo, ngũ cốc đông trùng hạ thảo; Cordyceps BHA tửu (HTX NN Công nghệ cao BRVT, huyện Châu Đức); hạt điều rang muối Nam Long (cơ sở sản xuất Nam Long, huyện Đất Đỏ).
Các sản phẩm 3 sao, gồm có: đông trùng hạ thảo x3 ruby, x3 gold, x3 premium (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân, TP. Bà Rịa); nhãn xuồng Lộc An (THT sản xuất nhãn xuồng Lộc An, huyện Đất Đỏ); rau xanh Diệp Châu (TLKSX rau xanh Diệp Châu Long Mỹ, huyện Đất Đỏ); chả cá tươi, chả cá chiên (hộ kinh doanh Trần Thị Mười, huyện Đất Đỏ); nước mắm nhĩ cá cơm (cơ sở Thiên Lộc); dưa lưới Long Tân (THT SX dưa lưới Long Tân, huyện Đất Đỏ); mãng cầu ta Phước Thanh (THT mãng cầu ta Phước Thanh, huyện Đất Đỏ); khoai môn Láng dài (THT SX khoai môn Láng Dài, huyện Đất Đỏ).
|
Đánh giá về việc gắn sao cho các sản phẩm OCOP trong đợt này, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh cho biết, sau đợt đánh giá đầu tiên vào năm 2020, các chủ thể cũng như các địa phương đã thấy được lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP. Các sản phẩm tham gia đánh giá trong đợt này tương đối đa dạng, hồ sơ đầy đủ và đặc biệt có khả năng phát triển, xúc tiến thương mại trong thời gian tới. Trên cơ sở các kết quả phân tích, đánh giá, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ thông qua danh sách và trình UBND tỉnh xem xét, ra quyết định công nhận các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
“Hiện nay tiêu chí OCOP là một trong những tiêu chí đầu tiên để các sản phẩm có thể đặt chân vào các siêu thị cửa hàng trong tỉnh cũng như các địa phương lân cận và cũng là điều kiện để có thể đưa sản phẩm xuất khẩu. Do đó, việc các sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng có vai trò hết sức quan trọng. Đối với các sản phẩm sau khi được “gắn sao” OCOP, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời, phối hợp cùng Sở TTTT để đưa lên các kênh phân phối trực tuyến”, ông Quý thông tin thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC