Tín hiệu tích cực từ RCEP

Thứ Tư, 30/03/2022, 16:42 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực đã mở thêm cơ hội cho DN đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.

Hiệp định RCEP có hiệu lực, các ngành như dệt may, thủy sản, nông sản của tỉnh sẽ được hưởng lợi và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood sản xuất thủy sản xuất khẩu.
Hiệp định RCEP có hiệu lực, các ngành như dệt may, thủy sản, nông sản của tỉnh sẽ được hưởng lợi và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood sản xuất thủy sản xuất khẩu.

Xuất khẩu vào RCEP tăng

RCEP đã mang lại nhiều cơ hội cho BR-VT, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng, trong đó chủ yếu là nông sản, thủy sản. Thông tin từ Sở Công thương cho biết, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của tỉnh đạt 972,71 triệu USD, tăng 30,07% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng, nông, lâm, thủy sản tăng mạnh hơn 50%. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng, mặc dù tình hình chung của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn.

Không chỉ tăng trưởng ở các nhóm ngành hàng, sự tăng trưởng còn ghi nhận ở thị trường, trong đó ở khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với 63,01%, tăng 26,42% so với cùng kỳ (tương đương 830,07 triệu USD). Theo các DN, nhờ các ưu đãi thuế quan trong RCEP đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu của BR-VT, đặc biệt là hải sản, nông sản, những mặt hàng có thế mạnh của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP may xuất khẩu Vũng Tàu cho biết, RCEP có hiệu lực đã giúp gỡ bài toán xuất xứ hàng hóa khi nguyên liệu may mặc của Việt Nam chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc. Mặt khác, các nước thành viên của RCEP có nền kinh tế bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn, Nhật Bản có nền sản xuất phát triển công nghệ cao, trong khi đó Trung Quốc là nước sản xuất về nguyên phụ liệu. Vì vậy, sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP cũng như các nước thứ ba.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, mặc dù tình hình thế giới còn gặp khó khăn, tuy nhiên nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủy sản vẫn ổn định và có sự tăng trưởng.

“Cùng với các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…; RCEP có hiệu lực từ đầu năm 2022 là một lợi thế mới nữa để DN tăng sản lượng sang các nước thành viên của hiệp định này, trong đó có 2 thị trường truyền thống là Nhật Bản và Australia. Với chính sách giảm thuế và các điều kiện thuận lợi về nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba cũng sẽ tốt hơn”, ông Dũng cho biết thêm.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (tiếng Anh: Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh

Bên cạnh cơ hội, luôn có những thách thức đối với DN Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng. Một trong những thách thức đó là cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu. Bởi nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam có chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn. Mặt khác, việc nhập khẩu hàng hóa tương đồng vào Việt Nam cũng là thách thức lớn với hàng nội địa ngay trên thị trường trong nước.

Để tận dụng những lợi thế hiệp định mang lại và vượt qua những thách thức nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực, BR-VT vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện RCEP của tỉnh nhằm cụ thể hóa Kế hoạch thực hiện RCEP theo Quyết định số 01 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, UBND tỉnh ưu tiên tuyên truyền và phổ biến RCEP, đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo về các thị trường nhập khẩu, thông tin về thương mại - đầu tư để các DN nắm bắt.

Mặt khác, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để cụ thể hóa, bảo đảm đồng bộ, minh bạch phù hợp với cam kết quốc tế và quy định của tỉnh. Đồng thời xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin về thực hiện RCEP giữa các sở, ban, ngành và các hiệp hội DN; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và bảo đảm phù hợp với lộ trình cam kết của RCEP. Các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, nông dân, HTX phù hợp với các cam kết của hiệp định cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, năm 2022, Sở Công thương - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm giúp DN nắm rõ các cam kết quan trọng của hiệp định, nhận diện được những thách thức và cơ hội kinh doanh, các ưu đãi mà RCEP mang lại.

Sở Công thương sẽ triển khai Đề án hỗ trợ DN thực hiện CPTPP và các FTA khác, trọng tâm là các giải pháp nhằm hỗ trợ DN thích ứng với những thuận lợi và ứng phó với những khó khăn trong các FTA nói chung và RCEP nói riêng; hướng dẫn thực hiện các quy định, cùng các ngành tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.