Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 3/3, Bộ KH-ĐT chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại điểm cầu BR-VT, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự (ảnh trên).
BR-VT sẽ tăng cường đối thoại, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, hỗ trợ tối đa cho DN, nhà đầu tư. Trong ảnh: Một hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư trên địa bàn huyện Côn Đảo trực tuyến được tỉnh BR-VT tổ chức trong năm 2021 |
Nghị quyết 02 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thứ hạng năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; phát triển bền vững (của UN) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (của UN) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu…
BR-VT cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo định hướng của Chính phủ. Trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: Tạo mọi điều kiện để DN, nhà đầu tư trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh hậu dịch; tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2019-2025”; tăng cường thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và DN; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số DN địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết, liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn; tổ chức đối thoại với DN, nhà đầu tư; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin và hỗ trợ tối đa cho DN, nhà đầu tư...
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ra đời trong bối cảnh thế giới vừa trải qua gần 2 năm căng mình chống dịch COVID-19 và đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh các nước đều triển khai nhiều giải pháp cải thiện các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, Việt Nam càng phải cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế và kiểm soát hiệu quả bệnh dịch COVID-19.
Tin, ảnh: MỸ LƯƠNG – NGUYỄN LỘC