.

Vì sao nhóm cổ phiếu dầu khí bứt phá

Cập nhật: 18:36, 02/03/2022 (GMT+7)

Hai tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu dầu khí luôn giữ đà tăng giá. Các chuyên gia chứng khoán nhận định, nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu tăng cao,  thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

Một trong những yếu tố tạo lực đẩy cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong thời gian qua là do giá các  mặt hàng xăng dầu, khí đốt tăng cao. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân PV GAS bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí.
Một trong những yếu tố tạo lực đẩy cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong thời gian qua là do giá các mặt hàng xăng dầu, khí đốt tăng cao. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân PV GAS bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí.

Nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ hưởng lợi trong dài hạn

Theo các chuyên gia chứng khoán, một trong những yếu tố tạo lực đẩy cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong thời gian qua là do giá các mặt hàng xăng dầu, khí đốt tăng cao.

Ngày 2/3, các hợp đồng dầu thô  tiếp tục tăng sau khi tăng hơn 7% kết thúc phiên trước. Dầu WTI giao dịch trên mức 106 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 107,6 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch khuya 1/3, giá dầu Brent tăng 7,1% lên 104,97 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 8/2014. Trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 8%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/2020, lên 103,41 USD sau khi lên cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Việc giá các mặt hàng xăng dầu, khí đốt tăng mạnh đã hỗ trợ giúp các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này bứt phá.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần,  PVC tăng trần 10% lên 22.000 đồng/cổ phiếu; PET tăng trần 6,86% lên 56.100 đồng/cổ phiếu; PVB tăng 6,96% lên 24.600 đồng/cổ phiếu; PVS tăng 3,25% lên 34.900 đồng/cổ phiếu. Những mã này tiếp tục thiết lập đỉnh giá mới trong vòng 1 năm. Các mã Dầu khí khác cũng tăng tích cực: PVT tăng 2,47%; PVD tăng 2,05%; GAS tăng 0,68%; BSR tăng 0,36%; CNG tăng 0,28%; NT2 tăng 1,32%;...

Cùng với đó, hai cổ phiếu Phân bón Dầu khí tiếp tục tăng trần: DPM tăng trần 6,86% lên 57.600 đồng/cổ phiếu; DCM tăng trần 6,94% lên 37.000 đồng/cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch đầu tháng 3, trong khi nhóm cổ phiếu giảm mạnh trên diện rộng, thì cổ phiếu dầu khí vẫn là nhóm duy nhất tăng điểm. Chẳng hạn như PVC tăng 2,7%; POW, PVS cũng tăng nhẹ.

Duy trì tốt hoạt động, sản xuất, kinh doanh

Cùng với việc giá dầu tăng cao, trong thời gian qua, nhiều DN dầu khí cũng đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng được thêm thị phần và ký được hợp đồng dịch vụ mới. Ngay trong tháng đầu năm 2022, nhiều DN dầu khí đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trong tháng đề ra.

Chẳng hạn như tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã CK: POW). Trong tháng 1/2022, PV Power đã duy trì vận hành ổn định, hiệu quả các nhà máy điện. Tổng sản lượng điện trong tháng 1 là 1.192 triệu kWh, vượt 29% kế hoạch được giao. Tổng doanh thu đạt 2.157 tỉ đồng, bằng 141% kế hoạch được giao.

Hay như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất  Dầu khí (PVFCCo), mã giao dịch DPM trong tháng 1/2022, tổng sản lượng sản xuất đạt 100 ngàn tấn phân bón và hóa chất, trong đó có gần 80.000 tấn Đạm Phú Mỹ; 13.700 tấn NPK Phú Mỹ. PVFCCo đã tiêu thụ được gần 160 ngàn tấn phân bón và hóa chất, trong đó sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ đạt hơn 123 ngàn tấn, vượt xa so với kế hoạch được giao.

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng cho biết, Tháng 1/2022, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng. Cụ  thể, sản lượng khai thác dầu tháng 1 đạt 0,93 triệu tấn, bằng 10,7% kế hoạch năm 2022. Sản xuất điện, đạm, xăng dầu ở công suất cao… Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 60,8 ngàn tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách 8.400 tỷ đồng, tăng 42%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6.200 tỷ đồng, tăng 2,5 lần.  

Dù đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu toàn Tập đoàn tập trung một số giải pháp: Xây dựng phương án kiểm soát thay đổi để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, cũng như những biến động của thị trường; bám sát, nguồn cung - cầu trong và ngoài nước để có giải pháp, kịch bản ứng phó hiệu quả; tăng cường công tác quản trị, rà soát, cập nhật lại mục tiêu kế hoạch trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2021 và định hướng tăng trưởng trong từng lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.  Từ đó, làm cơ sở kiểm soát định kỳ hàng tháng, hàng quý, hướng đến thực hiện hiệu quả kế hoạch năm 2022.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.