.
GIÁ XĂNG DẦU TIẾP TỤC TĂNG

Tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh hàng hóa

Cập nhật: 19:08, 01/03/2022 (GMT+7)

Từ 15 giờ ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính - Công thương tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu tăng thêm từ 469-547 đồng/lít. Mức giá này đã đưa giá xăng, dầu tiến sát mức 27.000 đồng/lít, mốc cao nhất từ trước đến nay.

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến cho hoạt động đánh bắt thủy sản gặp khó, nhiều tàu cá phải nằm bờ. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại cảng Bến Lội, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Giá xăng dầu tăng liên tục khiến cho hoạt động đánh bắt thủy sản gặp khó, nhiều tàu cá phải nằm bờ. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại cảng Bến Lội, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Chiều 1/3, một lần nữa không nằm ngoài dự đoán giá xăng dầu tiếp tục leo thang. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng/lít, tăng 545 đồng; xăng RON 95 là 26.830 đồng/lít, tăng 547 đồng; dầu hỏa có giá 19.970 đồng/lít, tăng 469 đồng; dầu diesel là 21.310 đồng/lít, tăng 509 đồng; dầu madut là 18.460 đồng/kg, tăng 536 đồng. Tại kỳ điều hành lần này, Liên Bộ không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn xăng, dầu đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg như kỳ điều hành ngày 21/2. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 220 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Như vậy, giá xăng dầu tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 4.030 đồng; E5 RON92 là 3.990 đồng, dầu diesel đắt hơn 3.980 đồng; dầu hỏa 3.650 đồng và dầu madut thêm 2.720 đồng.

Giá xăng dầu trong nước chịu tác động mạnh bởi diễn biến giá thế giới do những căng thẳng chính trị của Nga - Ukraine khi tuần vừa qua, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/2 và kỳ điều hành ngày 1/3 là 111,345 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 3,083 USD/thùng, tương đương tăng 2,84% so với kỳ trước); 114,207 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,559 USD/thùng, tương đương tăng 3,22% so với kỳ trước).

Từ ngày 1/3, ngoài giá xăng dầu, giá gas cũng tăng mạnh 42.000 đồng/bình loại 12kg và tăng 175.000 đồng/bình loại 50kg, đưa giá gas loại 12kg/bình lên hơn nửa triệu đồng. Cụ thể, giá các loại gas City Petro, Vimexco Gas, Pacific và Esgas của Công ty CP Thương mại dầu khí Thái Bình Dương là 524.500 đồng/bình 12kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg. Còn giá bán gas Saigon Petro của Công ty Saigon Petro bán lẻ là 502.000 đồng/bình 12kg. Đây là giá gas bình màu xám, các vỏ bình màu đỏ, vàng, xanh… có giá cao hơn từ 20.000-50.000 đồng/kg nên thực tế một số thương hiệu gas đổi cho người tiêu dùng sẽ xấp xỉ mức 600.000 đồng/bình. Còn giá gas của Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam là 503.900 đồng/bình 12kg, 1.889.640 đồng/45kg, tăng 157.500 đồng… Theo các công ty gas, do giá gas thế giới bình quân tháng 3 là 907,5USD/tấn, tăng 132,5USD/tấn so với tháng 2 là 775 USD/tấn, tức tăng 50 USD/tấn so với tháng 2 nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng. Đây là tháng tháng thứ hai trong năm 2022 giá gas tăng và tăng rất mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động đến người tiêu dùng, tăng chi phí sản xuất, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong năm 2022, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hoá dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Dự báo giá dầu tiếp tục leo thang, tạo nên sức ép cho giá thế giới. Hiện Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được kỳ vọng là một biện pháp kiềm chế giá trong thời gian tới.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.