Xả hoa ngày cuối cùng trong năm Tân Sửu

Thứ Hai, 31/01/2022, 15:58 [GMT+7]
In bài này
.

Trưa 29 Tết (ngày 31/1) - ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, các loại hoa kiểng như mai, đào, cúc, quất cảnh trên các con phố kinh doanh hoa kiểng như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn An Ninh, Bình Giã, 2/9… vẫn còn khá nhiều. Tiểu thương kinh doanh hoa, xả hàng, giảm giá mong bán được hàng.

Ngày 29 tháng Chạp (tức chiều 30 Tết), nhiều người dân tranh thủ mai giảm giá đến mua về chưng trong dịp Tết. Trong ảnh: Người dân chọn mua mai tại đường Nguyễn Thái Học trưa 29 tháng Chạp.
Ngày 29 tháng Chạp (tức chiều 30 Tết), nhiều người dân tranh thủ mai giảm giá đến mua về chưng trong dịp Tết. Trong ảnh: Người dân chọn mua mai tại đường Nguyễn Thái Học trưa 29 tháng Chạp.

Khảo sát của PV tại một số điểm bán hoa tại TP. Vũng Tàu lúc 11 giờ trưa 29 tháng Chạp, sức mua nhiều loại hoa, cây kiểng vẫn khá chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Nhìn chung, thị trường hoa Tết có phần kém sôi động hơn bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, lượng khách đến mua giảm khá nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

Anh Nguyễn Văn Danh, kinh doanh hoa đào tại đường Nguyễn Tri Phương cho biết, năm nay anh ra tận Hải Dương mua khoảng 100 cây đào cao từ 1,5m - 2m về bán trong dịp Tết từ ngày 21/1. Trong những ngày đầu, giá đào được bán ra khoảng 2 triệu đồng/cây. Tuy nhiên theo anh Danh, năm nay sức mua rất chậm, chủ yếu là người đến xem. Đến trưa 29 Tết, dù đã giảm giá xuống còn 500 ngàn đồng/cây nhưng vẫn còn khoảng 30 cây đào chưa bán được. Nếu tính chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng, vốn thì hòa vốn nhưng trừ chi phí nhân công 4 người thì năm nay anh bị lỗ.

Còn anh Nguyễn Tâm, kinh doanh hoa mai trên đường Nguyễn Thái Học cũng rơi vào cảnh hàng còn rất nhiều. Trưa 29 tháng Chạp, anh Tâm buộc phải cắt hết nụ của những chậu mai còn lại để chở cây về lại vườn ở Bến Tre. Anh Tâm cho biết, từ ngày 22/1 anh chở khoảng 500 chậu mai từ Bến Tre xuống Vũng Tàu bán Tết. Do giá vật tư nông nghiệp năm nay tăng nên giá mai bán ra cũng tăng, thêm vào đó do ảnh hưởng của dịch nên người dân cũng không “xuống tiền” mua mai nhiều như năm trước. Đến trưa 29 tháng Chạp, anh Tâm còn hơn 200 chậu mai. “Dù đã giảm giá xuống một nửa nhưng cũng chỉ lác đác vài khách đến hỏi mua. Tôi đành cắt hết nụ, đưa cây về vườn chăm sóc chờ mùa tết năm sau. Năm nay coi như lỗ nặng”, anh Tâm buồn rầu cho biết.

Người dân chọn mua hoa giấy trên đường Bình Giã ngày 29 tháng Chạp (chiều 30 Tết).
Người dân chọn mua hoa giấy trên đường Bình Giã ngày 29 tháng Chạp (chiều 30 Tết).

Cạnh đó, các tiểu thương kinh doanh mai Bình Định cũng đứng ngồi không yên khi lượng hoa đưa vào bán chỉ đạt 40-50%, cầm chắc lỗ nặng. Nhiều người buồn rầu cho biết, hàng ế nhiều vầy chỉ lo không đủ tiền trở về quê. Không riêng mai, các tiểu thương kinh doanh quất cảnh cũng chỉ bán được 60% số lượng hàng mang đi. Anh Châu Viễn Sơn (Bến Tre), kinh doanh mai và quất trên đường Bình Giã cho biết, năm nay anh mang xuống khoảng 1.000 cây quất cảnh và mai xuống Vũng Tàu bán, nhưng đến nay ngày 29 Tết vẫn còn khoảng 200 cây quất và hơn chục cây mai. “Năm nay, do ảnh hưởng dịch nên người dân cũng không mua sắm nhiều. Nếu nhẩm tính với số vốn bỏ ra khoảng 100 triệu đồng thì đến thời điểm này, huề vốn là đã may mắn. Hôm nay, tôi giảm nửa giá so với mấy ngày trước để vớt vát thêm. Chỉ mong bán mau hết hàng để chiều còn kịp về Bến Tre đón tết với người thân”, anh Sơn nói.

Theo các tiểu thương, so với mọi năm thì lượng người mua hoa không bằng mọi năm, vì ảnh hưởng dịch COVID-19, khiến kinh tế có phần suy giảm. Phần lớn hoa được mua về từ các tỉnh miền Tây, Bình Định… chi phí vận chuyển cao nên người bán không dám mua nhiều như mọi năm. Ghi nhận cho thấy, những cây đào, mai, quất có kích cỡ lớn dường như ít người mua do giá cao hơn mỗi năm. Nhiều chủ vườn, thương lái dù giảm giá đến nột nửa nhưng vẫn còn rất nhiều chậu cảnh. Phần lớn người dân tới mua chọn những cây mai nhỏ giá vừa tầm để mua về trưng trong dịp Tết.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.