Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa cả nước năm 2021 đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020.
Mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39.700ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.
Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77% để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 496 USD/tấn năm 2020 lên trên 503 USD/tấn năm 2021. Theo dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 đạt trên 3,27 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều loại cây lương thực, thực phẩm khác đều có sự giảm cả về diện tích và sản lượng. Điển hình như bắp có 902.300ha, giảm 4,24% và sản lượng đạt 4,43 triệu tấn, giảm 2,8%; đậu phộng có 160 ngàn ha, giảm 5,7% và sản lượng 416 ngàn tấn, giảm 2,2%; đậu nành có 36 ngàn ha, giảm 13,4% và sản lượng đạt 57.600 tấn, giảm 11,9%. Riêng cây khoai mì tăng 5.500ha đạt 530 ngàn ha và sản lượng trên 10,6 triệu tấn, tăng 1,9%.
Năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu sản lượng lương thực có hạt 48,3 triệu tấn. Riêng lúa diện tích gieo cấy từ 7,2-7,3 triệu ha, thâm canh tăng năng suất để đạt sản lượng 43-43,9 triệu tấn; bắp sản xuất 880 ngàn ha; khoai lang 105 ngàn ha; khoai mì 530 ngàn ha...
Trước mắt, đối với vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1.600 ngàn ha, tăng 2.000ha. Toàn miền Bắc vụ Đông Xuân 2021-2022 dự kiến gieo cấy 1,081 triệu ha, giảm khoảng 6.000 ha so với lúa vụ Đông Xuân 2020-2021.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có kế hoạch diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 là 321,5 ngàn ha, giảm 1.080 ha.
Thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp đặt sản xuất trồng trọt trong mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng hạn chế chất thải. Qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành sử dụng linh hoạt đất lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm sang rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
BÍCH HỒNG