Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực từ 1/1/2022

Cơ hội cho doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị mới

Thứ Hai, 03/01/2022, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương chung quanh những lợi ích và thách thức từ Hiệp định này.

Phóng viênBà vui lòng cho biết, những điểm khác của RCEP so với những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các DN đã và đang tham gia?

Bà Vũ Bích Hảo: RCEP có nhiều lợi thế cho xuất khẩu của các DN bởi có độ phủ rộng ở khu vực ASEAN và châu Á - với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. RCEP có tính chất khác so với 5 FTA mà ASEAN đã ký với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand.

Đồng thời, RCEP cũng khác so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP, EVFTA, hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Tuy RCEP không phải là FTA thế hệ mới nhưng so với các FTA khác, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại và tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN với các nền kinh tế lớn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand) nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Cụ thể, về kinh tế, RCEP sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế. RCEP cũng thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực, tạo điều kiện để DN tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực nhờ được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch, từ đó có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các ngành như dệt may, thủy sản, nông sản của tỉnh sẽ được hưởng lợi và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các ngành như dệt may, thủy sản, nông sản của tỉnh sẽ được hưởng lợi và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood chế biến thủy sản xuất khẩu.

* Những ngành hàng nào của BR-VT sẽ hưởng lợi khi RCEP có hiệu lực, thưa bà?

- Những ngành hàng xuất khẩu của tỉnh như nông sản, thủy sản, dệt may...  sẽ nhận được lợi ích từ hiệp định này. Quy định về quy tắc xuất xứ sẽ cho phép áp dụng xuất xứ cộng gộp. Chẳng hạn, đối với hàng dệt may, RCEP cho phép quy tắc xuất xứ hàng hóa chỉ tính một công đoạn, nghĩa là Việt Nam có thể nhập vải từ bất cứ nước nào, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu... Điều này tạo điều kiện cho các DN của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.

* Cơ hội mà RCEP mang lại cũng luôn song hành thách thức, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Việc nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp và khó khăn hơn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư cũng như quyền xây dựng chính sách của Việt Nam. Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng.

RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các DN còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt, kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19... Điều này đòi hỏi các DN cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

* Để tận dụng hiệu quả RCEP, bà có khuyến nghị gì với cộng đồng DN của tỉnh?

- Để khai thác hiệu quả từ RCEP, các DN BR-VT cần chủ động nghiên cứu kỹ các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, cũng như thông tin về các nước tham gia. Trong đó, DN cần quan tâm đến lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia; quy tắc xuất xứ; các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật; việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư; các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại…

Các DN cũng phải nghiên cứu, quan tâm xem Việt Nam cam kết gì với 14 đối tác còn lại trong Hiệp định; đồng thời chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước các tác động bất lợi mà RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Có như vậy, DN mới có thể hiểu đúng, đủ các quy định trong Hiệp định và tận dụng hiệu quả nhất.

Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực thi RCEP nhằm giúp DN xuất nhập khẩu tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này. Đồng thời tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ DN thực hiện CPTPP và các FTA khác. Trọng tâm là hướng dẫn các DN thực hiện các quy định và các giải pháp nhằm hỗ trợ DN thích ứng với những thuận lợi và ứng phó với những bất lợi mà các FTA nói chung và RCEP nói riêng mang lại.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

ĐÔNG HIẾU
(Thực hiện)

CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) VIỆT NAM ĐÃ THAM GIA

STT

Tên viết tắt

Tên đầy đủ

Năm có hiệu lực

1

AFTA

Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN

1993

2

ACFTA

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc

2003

3

AKFTA

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc

2007

4

AJCEP

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản

2008

5

VJEPA

Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản

2009

6

AIFTA

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ

2010

7

AANZFTA

Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN -Australia-New Zealand

2010

8

VCFTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi Lê

2014

9

VKFTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc

2015

10

VN-EAEU FTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu

2016

11

CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

2018

12

AHKFTA

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc)

2019

13

EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu

2020

14

UKVFTA

Việt Nam, Vương quốc Anh

2021

15

RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

2021

 

Đang đàm phán

16

VN-EFTA FTA

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA

17

VIFTA

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Isarel

 


Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI

 

 

;
.