Cần có chính sách hỗ trợ để kinh tế tập thể phát triển

Thứ Ba, 18/01/2022, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 18/1, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về “tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” trên địa bàn tỉnh.

Bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) ngày càng khẳng định  thương hiệu trên thị trường nhờ chất lượng tốt. Ảnh: HỒNG PHÚC
Bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường nhờ chất lượng tốt. Ảnh: HỒNG PHÚC

Kinh tế tập thể ngày càng phát triển

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có bước phát triển tích cực. Số lượng HTX, tổ hợp tác ngày một tăng. Hoạt động dịch vụ của các HTX khá đa dạng, hiệu quả và có tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho lao động, nhất là lao động tại khu vực nông thôn; góp phần giảm nghèo, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh nỗ lực của các HTX, Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cơ chế và chính sách về nguồn nhân lực, đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường… để hỗ trợ HTX nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, các HTX đã có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham gia mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, kiểm soát được hàng hóa của đơn vị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc tổ chức sản xuất cho các thành viên. Đồng thời, các HTX cũng đã tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm của HTX ngày càng đến gần với người tiêu dùng hơn.

Các loại hình và sản phẩm du lịch được phát triển đa dạng
Sáng cùng ngày, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh BR-VT giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 09, ngành du lịch tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định thông qua các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu, số lượng khách lưu trú. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tăng về chất lượng và số lượng. Môi trường du lịch ngày càng được cải thiện. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tạo không gian phát triển cho ngành du lịch được tăng cường. Việc tuyên truyền, quảng bá, kết nối, liên kết với các địa phương trong nước để cùng phát triển từng bước được cải thiện. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách được đặc biệt quan tâm thực hiện.
Các loại hình và sản phẩm du lịch được phát triển đa dạng như: Nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch homestay, du lịch thể thao biển, tham quan các di tích, danh thắng, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái. Các DN lữ hành chú trọng mở nhiều tour, tuyến hấp dẫn, đặc biệt là tour nội tỉnh dành cho khách tàu biển, các tour du lịch đường sông, tour thăm các làng nghề truyền thống để phục vụ du khách.
Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 tăng trung bình 3,96%/năm, trong đó khách có lưu trú đạt 12,25 triệu lượt (đạt 99,45% kế hoạch); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) 17.877 tỷ đồng, đạt 74,52%, riêng doanh thu từ dịch vụ lưu trú là 6.793 tỷ đồng đạt 90,38%. 

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp phát triển kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Tài Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, cần tăng cường các giải pháp về ứng dụng kỹ thuật, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, nên chọn thí điểm các HTX có sản phẩm sạch, an toàn và có điều kiện hoạt động tương đối tốt để hỗ trợ và hướng dẫn quy trình, quy chuẩn sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm bảo đảm chất lượng cung ứng ra thị trường. Sau đó nhân rộng các thí điểm điển hình ra toàn tỉnh, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có mô hình HTX kiểu mới và cửa hàng giới thiệu, cung ứng sản phẩm sạch, an toàn của HTX đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, cần mở rộng hoạt động liên kết sản phẩm giữa các HTX trong tỉnh với các HTX ngoài tỉnh và cung ứng sản phẩm đặc trưng của tỉnh cho các HTX khác. 

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, các chính sách hỗ trợ đã giúp HTX nâng cao được chất lượng sản phẩm hàng hóa, chi phí sản xuất, tăng thu nhập, tăng sức cạnh tranh nhưng vẫn còn thiếu tính đột phá. Vì vậy thời gian tới, các ngành các cấp cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp về vốn, con giống, chế biến sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ HTX phát triển.

Sở NN-PTNT đang tham mưu, trình UBND tỉnh dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch; tiếp tục hỗ trợ 6 dự án điểm và 63 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phảm nông nghiệp; thực hiện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; hỗ trợ thực hiện 43 dự án ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất cho các HTX nông nghiệp.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện đang rà soát tình hình hoạt động của từng HTX để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa HTX với DN từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; hỗ trợ các HTX đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để tăng kênh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến khẳng định sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều chuyển biến tích cực, dần trở thành động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhấn mạnh kinh tế tập thể là một trong những nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân mà nòng cốt là HTX, để “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX, động viên, khuyến khích phát sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo chuẩn VietGAP, OCOP... nâng cao thu nhập cho nông dân; gắn với phát triển đa dạng các mô hình HTX trong lĩnh giao thông vận tải, công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Các sở, ngành, địa phương cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế. Tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thực hiện 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh “nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”…

ĐÔNG HIẾU

 
;
.