Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian khiến nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Để giảm lỗ, nông dân đã phải tìm cách tiết giảm chi phí và phương thức sản xuất.
Để giảm bớt chi phí sản xuất nhiều nông dân lựa chọn thay đổi phương thức sản xuất. Trong ảnh: Ông Nguyễn Minh Tuấn (xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) sử dụng men vi sinh bón cho cây trồng thay vì các loại thuốc BVTV. |
Ông Nguyễn Minh Tuấn (xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) cho hay, trong 3 năm trở lại đây, giá phân bón liên tục tăng cao. Riêng năm nay, giá các loại phân tăng từ 60-100% so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất của nông dân tăng gấp 2-3 lần. Để thích ứng với biến động thị trường, ông Tuấn chủ động thay đổi phương thức sản xuất, chăm sóc cây trồng để giảm bớt chi phí đầu tư. Theo đó, từ cuối năm 2019, ông Tuấn đã mạnh dạn chuyển hơn 1ha bưởi da xanh sang canh tác hữu cơ, vi sinh, 100% không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV. Với phương pháp canh tác này, ông Tuấn đã giảm được hơn 120 triệu đồng tiền đầu tư cho với sản xuất thông thường. Trong khi sản lượng lại ổn định, thậm chí còn tăng, thay vì 16 tấn lên 20 tấn như mọi năm.
Ông Tuấn chia sẻ, dù bước đầu chuyển đổi có gặp nhiều khó khăn, song qua gần 2 năm áp dụng phương pháp bón phân hữu cơ và thuốc vi sinh, vườn bưởi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, sản lượng luôn duy trì ổn định, chất lượng trái bảo đảm được độ ngọt, ngon đặc trưng. Đặc biệt chi phí giảm mạnh so với phương thức sản xuất trước đây. Với cách làm này, sau khi trừ các chi phí, ông Tuấn thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm. “Để thay thế các loại phân bón, thuốc cho cây, tôi dùng sữa, loại men vi sinh ủ lên men cung cấp dinh dưỡng cũng như trừ sâu hại cho cây. Ngoài ra, các loại phân bón vô cơ như phân dê, gà giá thành cũng được bán khá rẻ”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Không riêng ông Tuấn, nhiều nông dân trồng bưởi da xanh cũng đã học theo cách làm này. HTX Bưởi da xanh Sông Xoài có diện tích 200ha, trong đó có gần 100ha đang dần chuyển qua sản xuất hữu cơ, vi sinh hướng tới nâng cao chất lượng trái bưởi, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Hiện Ban giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cũng đang mở rộng thêm diện tích canh tác hữu cơ, vi sinh để giảm được chi phí và nâng cao chất lượng trái bưởi, từ đó thị trường đầu ra sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, đối với các hộ chăn nuôi, nhằm giảm chi phí thức ăn đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập. Trường hợp của ông Đặng Duy Cường (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) là một ví dụ.
Từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp là hèm rượu, rau xanh, thân cây chuối, bắp... để làm thức ăn cho đàn heo rừng lai gần 50 con, ông Cường đã giảm được 50% chi phí đầu tư cho thức ăn chăn nuôi chỉ 1,7 triệu đồng/con thay vì hơn 3 triệu/con nếu cho ăn bằng cám công nghiệp. Chất lượng thịt cũng ngon hơn hẳn nếu chỉ sử dụng thực phẩm cám công nghiệp. Trung bình mỗi năm ông xuất bán 2 lứa heo, khoảng 60-70 con, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT) cho biết, trước thực trạng giá phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian qua, trong khi chờ nhà nước có giải pháp kiểm soát chặt các yếu tố đầu vào để giảm gánh nặng cho nông dân, thì việc vận dụng các giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất để giảm chi phí đầu tư đang là giải pháp hiệu quả để đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân trong thời điểm hiện nay. Chi cục cũng đã phối hợp cùng các địa phương triển khai nhiều lớp tập huấn nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón trồng trọt phù hợp vừa mang lại hiệu quả vừa tránh lãng phí trong chi phí đầu tư. Ngành cũng hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho người dân chuyển đổi dân sang phương thức sản xuất sản theo hướng hữu cơ để giảm bớt chi phí đồng thời phát triển lâu dài, bền vững.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC