Vì sao sản lượng khai thác của PVN giảm dần?

Thứ Hai, 01/11/2021, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 5 năm trở lại đây, sản lượng khai thác dầu khí trong nước liên tục sụt giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Các DN khai thác đang lo lắng, bởi cùng với việc các mỏ dầu ngày càng cạn kiệt, tìm kiếm mỏ mới khó khăn thì giá dầu cũng sụt giảm. 

Người lao động Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan.
Người lao động Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan.

Sản lượng giảm dần

Kể từ khi khai thác dầu (1981) đến nay, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã khai thác hơn 241 triệu tấn dầu thô, doanh thu đạt hơn 84 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận phía Việt Nam 53 tỷ USD, lợi nhuận 2 phía là 23 tỷ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã thu gom và vận chuyển về bờ hơn 36 tỷ m3 khí đồng hành, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm.  

Trong số các DN khai thác dầu khí, Vietsovpetro được xem là cánh chim đầu đàn. Tuy nhiên, những năm gần đây, Vietsovpetro đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, khi sản lượng các mỏ đã qua thời kỳ khai thác đỉnh và đang trên đà suy giảm. Các phát hiện dầu khí mới hầu hết là các mỏ cận biên, các khu vực triển vọng còn lại có điều kiện địa chất phức tạp, tiềm năng dầu khí thấp. Năm 2021, Vietsovpetro đặt mục tiêu phấn đấu khai thác hơn 3 triệu tấn dầu. Trong khi đó, năm 2020, Vietsovpetro khai thác hơn 3,4 triệu tấn dầu, năm 2019 là 3,8 triệu tấn…

Thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Nguyên nhân là do phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 - 2015. Trong đó, các mỏ có đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 - 35 năm, đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ ngập nước cao và tiếp tục tăng liên tục theo thời gian. Độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện đã ở mức 50% - 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15% - 25%/năm. Đây cũng là thực tế chung ở giai đoạn cuối đời của các mỏ trên thế giới.

Làm gì để gia tăng sản lượng?

Trước đà suy giảm sản lượng của các mỏ hiện hữu và công tác phát triển các mỏ mới gặp nhiều hạn chế, trong nhiều năm qua, PVN và các đơn vị tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế, với nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu. Chẳng hạn, tại Vietsovpetro, bằng biện pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, đơn vị đã tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên trên 40% đối với thân dầu trong đá móng, là hệ số thu hồi cao nhất trên thế giới.

Để duy trì và nâng cao sản lượng dầu khí, các chuyên gia cho rằng, giải pháp duy nhất vẫn là phải phát triển và đưa các mỏ mới vào khai thác. Do đó, cần khuyến khích đầu tư hơn nữa vào công tác tìm kiếm - thăm dò - khai thác. Đặc biệt chú trọng đến công tác tìm kiếm-thăm dò để tạo nguồn trữ lượng mới, giúp công tác phát triển khai thác được liên tục và ổn định.

Tại hội nghị thăm dò khai thác PVN năm 2021, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, thăm dò - khai thác luôn được PVN chú trọng và ưu tiên hàng đầu. PVN luôn sẵn sàng về nguồn lực và tiềm lực để thực hiện các kế hoạch thăm dò-khai thác.

Theo PVN, tiềm năng trữ lượng dầu khí Việt Nam còn rất lớn, để nguồn tài nguyên này góp phần vào phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác cần được triển khai thuận lợi, thông suốt,  làm động lực cho các nhà đầu tư, tăng cường các hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí, qua đó tạo ra các nguồn thu mới cho đất nước.

PHAN HÀ

;
.