“Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh, trong đó có nhiều chuỗi lây nhiễm tại DN trong KCN, CCN. Cuộc chiến với COVID-19 không có ai chiến thắng. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ giảm thiểu được những thiệt hại. Với quan điểm luôn sát cánh, đồng hành cùng DN để kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, Tỉnh ủy BR-VT tổ chức Hội nghị gặp gỡ chủ đầu tư các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, bàn giải pháp trong phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Đoàn Công tác đặc biệt của Bộ Y tế kiểm tra phòng cách ly các trường hợp liên quan ca nghi nhiễm tại Công ty TNHH Kết cấu thép QH Plus (KCN Mỹ Xuân B1. TX. Phú Mỹ). |
Đó là chia sẻ của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị gặp gỡ chủ đầu tư các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Tỉnh ủy tổ chức ngày 16/11.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 8 huyện, thị xã, thành phố. Tham dự Hội nghị còn có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; đại diện 15 KCN và 6 CCN trên toàn tỉnh.
Nguy cơ lây nhiễm dịch tại KCN, CCN
DN trong các KCN, CCN hoạt động theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Trong ảnh: Sản xuất khung tivi cho Tập đoàn Samsung tại Công ty TNHH Pavonine Vina (TX. Phú Mỹ). |
Khái quát tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh nói chung và trong các KCN, CCN từ ngày 16/10 đến nay, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã ban hành văn bản áp dụng tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, từng bước nới lỏng, mở cửa các hoạt động đi lại, sản xuất, giáo dục, du lịch, dịch vụ… với lộ trình cụ thể, khả thi. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới theo tuần ghi nhận từ ngày 16/10 đến nay tăng liên tục, trung bình tăng 144,4%/tuần so với tuần trước đó. Trong đó, số ca ngoài cộng đồng tăng 135%/tuần so với tuần trước. Riêng tại các KCN, CCN tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 15/11 ghi nhận 176 trường hợp F0.
Điều đáng nói, nhiều chùm ca bệnh trong các DN, cơ sở sản xuất có đông lao động đã tạo ra các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nguyên nhân do việc đi lại của người dân, người lao động trong tỉnh và người dân, người lao động, đối tác kinh doanh của các công ty ở các tỉnh, thành phố lân cận đến BR-VT. Trong trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Khi xuất hiện ca bệnh, các DN cơ bản kiểm soát được tình hình an ninh trật tự, tâm lý người lao động tại nhà máy; phối hợp nhanh và tích cực với cơ quan chức năng truy vết, xét nghiệm, cách ly các trường hợp nghi vấn; kích hoạt thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch theo kế hoạch đã xác lập và theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Các DN đã phân chia ca kíp theo mô hình bong bóng sản xuất, từ đó hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận lợi khi truy vết.
Test nhanh SARS-CoV-2 cho người lao động tại Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng. |
Nhìn từ góc độ của cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua các đợt kiểm tra cho thấy, một số DN ban hành kế hoạch phòng, chống dịch còn hình thức, rập khuôn, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế tại đơn vị. Trong kế hoạch, DN chưa đánh giá, chưa phân vùng nguy cơ các khu vực trong toàn bộ công ty như văn phòng, phân xưởng sản xuất và có nội quy, phương án xử lý phù hợp khi có trường hợp nghi mắc/mắc COVID-19; chưa xây dựng được kịch bản diễn tập tình huống và chưa tổ chức diễn tập. DN còn lúng túng trong việc nắm bắt quy trình xử trí trong trường hợp có ca nghi nhiễm COVID-19 trong quá trình tổ chức test nhanh.
Bên cạnh đó, một số DN chưa chú trọng trong việc bố trí khu vực cách ly tập trung cho các trường hợp liên quan ca nghi nhiễm theo từng mức độ quy mô số ca mắc/nghi ngờ mắc; chưa tách biệt giữa khu vực cách ly với khu vực sản xuất; chưa sử dụng các vị trí có không gian mở, lối gần cầu thang, khu vực ít người qua lại làm nơi cách ly, chưa chủ động cập nhật thông tin, số điện thoại, thông tin liên lạc của y tế địa phương nhằm tránh bị động trong trường hợp DN phát sinh ca nghi nhiễm.
An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh thông tin, mỗi ngày có khoảng hơn 20 ngàn người từ tỉnh khác vào BR-VT, trong đó chủ yếu là vào làm việc tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Nếu không quản lý chặt thì nguy cơ lây nhiễm dịch sẽ cao. Khi xảy ra các ca bệnh, thiệt hại mà DN phải gánh chịu là rất lớn. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các KCN, CCN cần phối hợp chặt chẽ và đồng hành với tỉnh để bàn giải pháp phòng, chống dịch.
“Những khó khăn, thách thức đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của các DN, nhất là chủ đầu tư KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Chủ đầu tư KCN, CCN cần thể hiện vai trò là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế, DN cần thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan, không đứng ngoài cuộc, bảo đảm phương châm bốn tại chỗ”, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.
Đồng thời, ông Phạm Viết Thanh cũng nhấn mạnh: “Có cơ hội thì cùng chia sẻ. Khi xảy ra rủi ro thì cùng gánh vác” và khuyến cáo KCN nào, cụm CN nào lơ là, chủ quan để dịch bệnh lây lan thì tỉnh sẽ không ưu tiên giới thiệu mời gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để DN hoạt động, tuân thủ nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương thành lập trạm y tế lưu động tại các KCN, CCN; xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập phương án phối hợp xử lý khi có ca mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh. Các KCN, CCN phải tổ chức thực hiện quét mã QR kiểm dịch và khai báo y tế theo quy định; thực hiện các biện pháp y tế đối với người lao động đến làm việc từ các địa phương vừa hết giãn cách xã hội; kiểm soát chặt nguồn lây từ bên ngoài. Thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và quy trình xử lý khi có người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tại Công văn số 17115/UBND-VP ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh.
Tại hội nghị, các chủ đầu tư KCN, CCN, DN đánh giá cao công tác điều hành, lãnh đạo của tỉnh trong phòng, chống dịch, tạo điều kiện để các chủ đầu tư KCN, CCN, DN yên tâm sản xuất kinh doanh. Các DN đề nghị cơ quan chuyên môn của tỉnh có hướng dẫn cụ thể các khâu trong quy trình xử lý tình huống dịch bệnh xảy ra, khâu nào DN phải thực hiện, khâu nào do cơ quan chuyên môn đảm trách; đồng thời hỗ trợ về chuyên môn khi các KCN, CCN thành lập trạm y tế lưu động.
Theo hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 ban hành ngày 11/11 của UBND tỉnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tổ y tế hoặc hợp đồng với đơn vị y tế để giám sát, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch cũng như xử trí ban đầu khi xảy ra ca nhiễm, nghi nhiễm.
Phóng viên Báo Bà Rịa- Vũng Tàu ghi nhận ý kiến đại diện một số DN xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa-Phương Đông (chủ đầu tư hạ tầng KCN Đất Đỏ)
Khó khăn hiện nay đối với các KCN là lượng xe ra vào để cung ứng vật tư, nguyên liệu cho các DN sản xuất rất nhiều, mình chủ đầu tư sẽ khó kiểm soát hết được. Chúng tôi mong muốn các DN, nhà máy phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện khâu này.
Bên cạnh đó, một số DN chưa áp dụng triệt để các văn bản về công tác phòng, chống dịch tại DN. Nhiều DN vẫn còn lúng túng khi nhà máy xảy ra F0. Do đó, ngành chức năng cần tổ chức tập huấn tại chỗ để DN triển khai tốt hơn.
Tôi rất tán thành việc thành lập tổ y tế tại các KCN, CCN vì sẽ giúp giảm áp lực cho y tế tại địa phương nhưng cần có cán bộ y tế của cơ quan nhà nước điều hành. Đối với các DN có đủ điều kiện nên cho cách ly tại nhà máy, để họ có thể vừa điều trị vừa sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Đầu tư & Khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ I
Hiện nay, KCN Đông Xuyên đã cho thuê hầu như 100% đất. Để thành lập tổ y tế lưu động thì phải ghép lại tại nhà điều hành KCN. Do đó, chúng tôi đề nghị ngành y tế khảo sát xem có đủ điều kiện để công ty tiến hành thành lập. Ngoài ra, Công ty cũng đề nghị ngành y tế công bố danh sách các phòng khám đủ tiêu chuẩn khám và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm, sàng lọc COVID-19 để DN lựa chọn khi có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP SONADEZI Châu Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Châu Đức)
Chúng tôi luôn cùng với chính quyền các cấp phòng, chống COVID-19. Tuy nhiên, việc triển khai phòng chống dịch tại chỗ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là do DN thuê hạ tầng phải giao thương, trao đổi hàng hóa, chủ đầu tư KCN không thể kiểm soát được việc tiếp xúc trong nội bộ DN... Do đó, cần xây dựng cơ chế kiểm soát cho kỹ càng. Ngoài ra, ngành y tế cần vận động, hướng dẫn DN triển khai nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Hiện nay, quan điểm về phòng chống dịch ở mỗi DN khác nhau.
|
Các DN cần thống kê đầy đủ danh sách người lao động ngoài tỉnh đến làm việc và có giải pháp tuyên truyền, quán triệt, quản lý, kiểm soát, kiểm tra và giám sát sự tuân thủ của người lao động trong thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại nơi làm việc và khi hết giờ làm trở về nơi ở. Người lao động cần nghiêm túc thực hiện bản cam kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở sản xuất kinh doanh, DN với cơ quan quản lý, kịp thời báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương, cơ quan quản lý khi phát hiện có người lao động mắc/nghi ngờ mắc COVID-19 để phối hợp xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các tổ kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các DN trong KCN, CCN tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử lý khi có ca lây nhiễm theo quy định.
“Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, ủng hộ, cùng DN hành động để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; giải quyết nhanh chóng thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ; tăng cường cải cách hành chính; công khai, minh bạch các nguồn lực và việc phân bổ các nguồn lực, nhất là việc tiêm vắc xin theo lộ trình, xem như là một phần rất quan trọng để khôi phục phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định.
NHÓM PV KINH TẾ