Hàng Việt khẳng định chỗ đứng trong "cơn bão" COVID-19

Thứ Tư, 17/11/2021, 22:50 [GMT+7]
In bài này
.

Chất lượng cao, giá cả bình ổn, mẫu mã đa dạng cùng sự chuẩn bị và cung ứng đầy đủ của các nhà sản xuất, phân phối trong nước đã giúp hàng Việt luôn là sự lựa chọn ưu tiên của người dân, nhất là trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa  qua.

Người dân mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu.
Người dân mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu.

Sau khi chọn mua thực phẩm và quần áo thời trang tại siêu thị Co.op mart Vũng Tàu, đẩy xe hàng ra quầy tính tiền, chị Bùi Thị Ngọc Thi, phường 1 cho biết, trước đây gia đình chị thường dùng nhiều loại sản phẩm là hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, việc đặt mua hàng ngoại nhập cũng nhiều trở ngại nên chị chuyển sang lựa chọn các sản phẩm cùng chủng loại sản xuất trong nước. “Khi dịch bệnh xảy ra, nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy, nhất là hàng ngoại nhập, gia đình tôi đành chuyển sang dùng sản phẩm cùng loại trong nước như cà phê, hạt mắc ca của Đăk Lăk… Tôi rất hài lòng vì chất lượng sản phẩm không thua gì hàng ngoại nhập, trong khi giá thành lại rẻ hơn và không lo hàng nhập lậu, kém chất lượng nên gia đình tôi sử dụng luôn đến giờ”, chị Thi nói thêm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng hóa Việt đã góp phần ổn định thị trường, giúp người dân có đủ nguồn cung trong tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, gạo, miến, các loại gia vị... Đánh giá từ phía người tiêu dùng cũng cho thấy, hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng hàng Việt, các DN trong nước đã nỗ lực để bảo đảm chất lượng và giữ ổn định giá bán dù cũng gặp khó khăn do dịch bệnh như thiếu nhân lực, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng. Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh như: hệ thống Co.op Mart Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, VinMart+,… cho thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của DN nước ngoài như MM Mega Market, Lotte Mart Vũng Tàu, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm 60 - 96%. Còn tại kênh phân phối là các chợ truyền thống thời điểm này chỉ bán hàng thiết yếu nên tỷ lệ hàng Việt Nam là 100%. Một số mặt hàng của các DN Việt trước đây luôn có doanh số bán thấp hơn so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại thì nay lại tăng cao như cà phê, nước đóng chai, thức ăn chế biến sẵn... Bà Trần Thị Ngọc Liễu, Phó Giám đốc Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, qua đợt dịch COVID-19 lần thứ tư cho thấy người tiêu dùng rất quan tâm đến hàng Việt, nhất là các sản phẩm như mì tôm, sữa, cà phê, nước đóng chai… Hiện nay, lượng tiêu thụ hàng Việt tăng lên khá nhiều so với trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Người dân mua sắm tại chợ An Ngãi, huyện Long Điền.
Người dân mua sắm tại chợ An Ngãi, huyện Long Điền.

Theo ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương, hơn 80% doanh số bán hàng tại các siêu thị, kênh bán lẻ đến từ các loại hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt. Điều này có thể khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của DN thì ngành công thương cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền người dân không hoang mang, không tích trữ hàng hóa. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ... và các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng ở nhiều cấp độ. Sở cũng hỗ trợ các DN khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Qua đó, giúp các DN ổn định sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu hàng nội địa.

Cũng theo Sở Công thương, xu hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng tăng, nhất là hàng thiết yếu. Tuy nhiên để hàng Việt có thể vươn xa hơn, ngoài quan tâm đầu tư, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, các DN, cơ sở sản xuất trong nước cũng phải chủ động thực hiện các giải pháp kinh doanh linh hoạt, đa dạng trên nhiều nền tảng để đảm bảo sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp như hiện nay.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.