Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường này thường có biến động, thay đổi về yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu, gây khó khăn rất lớn cho các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đó là nhận định của đại diện các bộ, ngành tại tọa đàm trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tổ chức, diễn ra sáng 11/11.
Một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh như thanh long, nhãn, chuối đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: Nông dân xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc chăm sóc thanh long. |
Thị trường tiềm năng
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, từ năm 2016 đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu liên tục tăng. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,96 tỷ USD, năm 2020 đạt 49,03 tỷ USD. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Xét theo tiêu chí quốc gia, tính đến tháng 8/2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc.
Nông, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam tới thị trường này. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu bao gồm: rau quả (kim ngạch 1,83 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 56,28% tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới năm 2020); cao su (kim ngạch 1,83 tỷ USD, chiếm 78,8%); sắn (khoai mì) và các sản phẩm từ sắn (kim ngạch 900 triệu USD, chiếm 91,82%); một số mặt hàng khác như thủy sản, hạt điều, gạo...
Tại tỉnh BR-VT, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2020 đạt 721,93 triệu USD; 10 tháng năm 2021 đạt 439,24 triệu USD, chiếm gần 9% tổng ngạch xuất khẩu trừ dầu thô của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như hàng dệt may, phụ kiện dệt may, da giày, xơ dệt, các loại thủy sản, hàng hóa và dầu thô…
Một số mặt hàng trái cây, thủy sản gặp khó khăn, không tiêu thụ được do dịch bệnh. Trong ảnh: Thu hoạch tôm tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. |
Thay đổi để thích ứng
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Phạm Sao Mai đánh giá, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với việc Trung Quốc thay đổi một số chính sách khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Trong đó, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông, thủy sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Vào tháng 4/2022 khi quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài và quy định về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực, toàn bộ DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm có liên quan sẽ phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các loại nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc đã có 42 thông báo về những thay đổi SPS (tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm), các quy định được ban hành khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Còn theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT), muốn thúc đẩy phát triển xuất khẩu phải thay đổi nhận thức, cách tiếp cận về các yêu cầu thị trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, thủ tục pháp lý… Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường thông tin, hướng dẫn đến các đối tượng có liên quan trong chuỗi liên kết. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần chuẩn bị tốt điều kiện về vùng trồng, nuôi, doanh nghiệp chế biến, đóng gói xuất khẩu để chuẩn bị cho việc kiểm tra đánh giá trong công tác mở cửa thị trường hoặc thanh tra của đối tác.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh BR-VT, trong đó có mặt hàng nông sản, Sở Công thương đã có kiến nghị tới các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn DN chuẩn bị thủ tục trước khi các Lệnh 248, 249 của Trung Quốc có hiệu lực, nhất là việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông lâm sản, thủy hải sản. Qua đó giúp DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách chủ động, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh đúng yêu cầu, tránh trường hợp tổ chức sản xuất hàng hóa khi chưa rõ các yếu tố liên quan trong việc thắt chặt chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. |
Cho rằng điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân còn tư duy mùa vụ, DN thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần có sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà phải hiểu cả về thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào Trung Quốc như: Thái Lan, Indonesia… DN, nông dân phải thay đổi nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin để đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản không chỉ dừng lại ở cửa khẩu mà phải phân phối hàng sâu vào nội địa thị trường Trung Quốc. Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng DN, nông dân thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường lớn này.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC