Sau 2 tuần thực hiện nới lỏng giãn cách, các chợ truyền thống đã mở cửa kinh doanh trở lại nhưng vẫn trong tình trạng đìu hiu. Lượng khách và lượng hàng nhập về chợ chỉ đạt từ 10-20% công suất so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Nhiều tiểu thương vẫn đóng cửa sạp, nghỉ bán.
Hoạt động mua bán tại điểm buôn bán tự phát gần khu vực vòng xoay Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu nhộn nhịp trở lại. |
Có mặt tại chợ An Ngãi (huyện Long Điền) ngày cuối tuần qua, phóng viên ghi nhận tình trạng vắng vẻ. Hầu hết các quầy sạp vẫn đóng cửa im lìm. Cả chợ chỉ có khoảng chục tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng rau củ quả, thịt... Vắng khác nên tiểu thương vẫn khá nhàn rồi, một số người ngồi lướt điện thoại.
Bà Võ Thị Thanh Thanh, kinh doanh rau củ tại chợ An Ngãi chia sẻ, khi chợ được mở cửa kinh doanh trở lại, bà mừng lắm. “Thế nhưng, sau hơn 2 tuần hoạt động, hàng hóa bán chẳng được bao nhiêu, hôm nào nhiều cũng chỉ được 20% số hàng lấy về. Trong khi đó, tiểu thương vẫn phải đóng các loại phí nên rất khó khăn”, bà Thanh than thở.
Chợ Vũng Tàu là một trong những chợ đầu mối lớn của TP. Vũng Tàu nhưng từ ngày mở cửa trở lại đến nay cũng thưa vắng người mua. 9 giờ sáng Chủ nhật, khu kinh doanh thịt heo, hải sản, rau củ còn nhiều hàng hóa. Tiểu thương còn đông hơn cả số người đi chợ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, bán thịt heo tại chợ cho biết, sau khi chính quyền địa phương cho hoạt động trở lại, bà đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng. Tuy nhiên, 2 tuần qua, khách đi chợ rất vắng, nhiều mối hàng chưa quay lại nên sạp thịt của bà luôn trong tình trạng ế ẩm. “Sức tiêu thụ chậm, bình thường mỗi ngày tôi bán được 1 con heo khoảng 80kg, nhưng bây giờ nhiều lắm chỉ bán được 1/3 con. Nguyên nhân là do sau khi chính quyền áp dụng biện pháp thích ứng, linh hoạt để phòng chống dịch COVID-19, nhiều chợ tự phát “mọc” lên xung quanh chợ, trong các xóm, hẻm... Chỗ nào cũng kinh doanh, buôn bán tràn lan, trong khi đó, người dân vẫn có thói quen tiện đâu mua đó, lại ngại vào chợ nên tiểu thương không bán được hàng”, bà Nguyệt phân tích.
Bà Phạm Thị Hiền, kinh doanh thịt heo tại chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) cũng buồn rầu cho biết, sau khi chợ Rạch Dừa được mở cửa hoạt động trở lại, bà đã mở hàng buôn bán nhưng chỉ được vài hôm là phải đóng quầy. “Tôi rất mừng khi chợ được mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách, nhưng mở bán được vài hôm tôi đành đóng cửa vì không có khách mua hàng. Lượng thịt heo lấy chỉ bằng 50% so với trước dịch nhưng bán không hết. Ngày nào bán nhiều lắm cũng chỉ được 2/3 số hàng. Trong khi đó, chi phí hoa chi, điện, nước vẫn phải trả bình thường”, bà Hiền nói.
Người dân mua thịt tại chợ An Ngãi (huyện Long Điền). |
Theo ông Hoàng Văn An, Phó Trưởng BQL Chợ Vũng Tàu, chợ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 17/10. Sau dịch có 250 hộ đăng ký kinh hoạt động lại, nhưng đến nay mới có gần 100 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: rau xanh, thịt heo, gà, cá… mở cửa buôn bán. Dù vậy, lượng khách đi chợ rất ít, chỉ bằng 30% so với trước dịch. Nhiều tiểu thương mở cửa kinh doanh vài ngày không bán được hàng cũng đóng cửa. Do lượng khách đi chợ giảm nên đến thời điểm này lượng hàng hóa nhập vào chợ cũng giảm gần 90%.
Tương tự, theo ông Lê Văn Mực, Trưởng BQL chợ Đất Đỏ, 6 chợ của huyện, trong đó có chợ Đất Đỏ đã hoạt động trở lại bình thường, bảo đảm công tác phòng, chống dịch và kiểm soát người ra vào chợ bằng phiếu đi chợ. “Tuy nhiên, chợ rất ế ẩm, trong khi người mua bán bên ngoài rất nhiều. Người dân thì tiện đâu mua đó, mong ngành chức năng nên xem xét vấn đề này”, ông Mực đề nghị.
BR-VT đang trong giai đoạn từng bước mở cửa các hoạt động kinh tế, trong đó có việc mở cửa lại chợ truyền thống. Điều đáng nói, tình trạng buôn bán nhỏ lẻ, chợ tự phát đã xuất hiện trên nhiều tuyến đường, vỉa hè, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước tình trạng chợ “xổm” thì đắt khách, chợ truyền thống được quản lý chặt chẽ thì đìu hiu, tiểu thương chợ truyền thống mong muốn chính quyền địa phương có biện pháp giải tán chợ tự phát, hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh sau dịch. Như vậy, mới có thể tạo sự công bằng giữa tiểu thương tại các chợ và người kinh doanh tự phát, nhất là trong thời gian thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, bệnh COVID-19, đồng thời nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị về lâu dài.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU