Bệnh khảm lá khoai mì bùng phát diện rộng

Thứ Sáu, 05/11/2021, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, bệnh khảm lá tiếp tục xuất hiện trên cây khoai mì với tốc độ lây lan và tỷ lệ nhiễm bệnh ngày càng cao. Hơn 2.500ha khoai mì đã bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều diện tích trồng khoai mì trên địa bàn xã Tóc Tiên, Châu Pha (TX. Phú Mỹ) bị nhiễm bệnh khám lá.
Nhiều diện tích trồng khoai mì trên địa bàn xã Tóc Tiên, Châu Pha (TX. Phú Mỹ) bị nhiễm bệnh khám lá.

Vườn khoai mì 2ha của gia đình ông Mai Văn Thiện (ấp Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng, hầu hết diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ khá nặng, với tỷ lệ nhiễm bệnh 60-70%.

Ông Thiện cho biết, vụ năm ngoái, vườn khoai mì của gia đình ông cũng bị nhiễm bệnh khảm lá, khiến sản lượng giảm 40%, chỉ đạt khoảng 50 tấn/2ha, thu nhập giảm phân nửa so với năm 2019. Năm nay, khoai mì tiếp tục bị nhiễm bệnh với mức độ lây lan và tỷ lệ thiệt hại nặng hơn, nguy cơ thất thu lớn. “Mọi năm vườn mì đều cho thu nhập từ 150-160 triệu đồng. Năm ngoái khoai mì bị nhiễm bệnh, thu nhập giảm còn phân nửa. Năm nay, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, vườn mì đã thiệt hại 60-70%. Tuy nhiên, tôi đành để vậy đến khi thu hoạch được bao nhiêu thì bù lại một phần chi phí chứ không thể làm gì được nữa”, ông Thiện cho hay.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Châu Đức, đến thời điểm này, diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn huyện trên 700ha, với tỷ lệ nhiễm từ 30%-80%. Đây là địa phương có diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá lớn của tỉnh. 

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo nông dân không trồng 2 giống khoai mì HLS11-HLS12 vì đây là giống có tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, do hàm lượng tinh bột cao nên nhiều hộ vẫn trồng 2 giống này. Trước tình hình bệnh khảm lá diễn biến nặng trên diện rộng, Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân tăng cường thuốc phòng trừ, đối với diện tích nặng thì cần nhổ bỏ và đốt tiêu hủy, không nên tiếp tục trồng khoai mì trong vụ sau; không nên mua giống khoai mì từ các tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá.

TX. Phú Mỹ có gần 600/1.077ha khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, 300ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ thiệt hại từ 30-70%. Ông Trần Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Phú Mỹ cho hay, so với năm ngoái, tỷ lệ khai mì năm nay nhiễm bệnh nặng hơn (30-35% so với 70-80%). Triệu chứng phổ biến và dễ nhận diện là trên lá xuất hiện các vết khảm màu trắng, vàng hoặc xanh nhạt nằm rải rác khắp mặt lá, phiến lá bị cong vênh, biến dạng và có thể dày hơn bình thường. Bệnh gây thiệt hại lớn: cây nhỏ nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch, cây lớn nhiễm bệnh sẽ làm giảm năng suất và chất lượng.

Trước tình hình bệnh khảm lá trên cây khoai mì có dấu hiệu lan nhanh, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng chống loại dịch hại này. Ngoài việc hướng dẫn người dân nhổ bỏ, tiêu hủy khi phát hiện khoai mì mắc bệnh nặng, Sở NN-PTNT cũng hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng - trung gian mang mầm bệnh ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tình hình buôn bán, sử dụng giống mì, vận chuyển thân lá mì trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn về tác hại của bệnh khảm lá mì và các biện pháp phòng chống; tuyên truyền cho nông dân biết và không trồng giống HL-S11, HL-S12; khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC-NGỌC TOÀN

Trong vòng 2 năm trở lại đây, diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá cao hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, năm 2018, diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá là 133ha; năm 2019 là 60ha, năm 2020 và 2021 đã tăng lên chóng mặt. Thống kê từ Sở NN-PTNT, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có gần 2.500ha khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá, chiếm gần 32% diện tích khoai mì toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Phú Mỹ. Trong đó, hơn 1.689ha có tỷ lệ gây hại dưới 30%; 581ha có tỷ lệ gây hại 30-70% và 62ha nhiễm nặng trên 70%.

 

 

;
.