Bên trong những nhà máy sản xuất hiện đại

Thứ Sáu, 05/11/2021, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu như trước đây, các nhà máy lớn cần đòi hỏi một lượng lao động đồi dào để phục vụ nhu cầu sản xuất thì hiện nay, nhiều DN đã tập trung thay đổi công nghệ, máy móc hiện đại, sử dụng ít lao động, thậm chí đưa robot vào dây chuyền sản xuất để dần thay thế sức người.

Cả dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam đều tự đông hóa.
Cả dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam đều tự đông hóa.

Máy móc thay thế sức người

Đi vào hoạt động từ tháng 3/2020 với công suất bình quân đạt 50 ngàn tấn sản phẩm hạt nhựa/tháng, nhưng ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào khu vực sản xuất của nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina rất ít công nhân vận hành máy móc, thay vào đó là nhiều thiết bị và công nghệ tiên tiến. Toàn bộ quy trình sản xuất hạt nhựa của nhà máy đều diễn ra bên trong các tháp silo - tháp tạo hạt. Các công đoạn sản xuất khác đều được điều khiển từ xa. Hệ thống xử lý khí và chất thải cũng theo quy trình khép kín, không gây hại cho môi trường.

Không chỉ có nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina, theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đầu tư tại tỉnh hiện có xu thế sử dụng rất ít lao động phổ thông vì phần lớn sử dụng những công nghệ hiện đại.

Mới đây, Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam Phú Mỹ (KCN  Phú Mỹ 3) cũng đã bắt đầu đi vào sản xuất thử nghiệm sản xuất tấm thạch cao giai đoạn từ tháng 7/2021, với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm. Công nghệ sản xuất tự động hóa được áp dụng ở nhiều công đoạn, không có nhiều bóng dáng của công nhân. Và công nhân cũng không phải quá vất vả, chủ yếu là đứng quan sát và điều chỉnh về mặt kỹ thuật.

Ông Eisaku Sudo, Tổng Giám đốc Công ty Yoshino Gypsum cho biết, công ty sử dụng công nghệ tiên tiến đến từ Nhật Bản, tất cả các dây chuyền sản xuất đều tự động hóa. Nhờ vậy, toàn bộ nhà máy chỉ có hơn 20 lao động, phần lớn có trình độ cao, trừ một số ít những khâu đơn giản như nhập liệu, xuất kho.

Tại Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam, DN 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm đậu nành lên men và 1 số loại khác). Đại diện nhà máy cho biết, hiện nay, dây chuyền sản xuất của Công ty đều tự động hóa. Nhờ đó, dù công suất rất lớn (khoảng 22 ngàn tấn/năm ) nhưng chỉ có 70 lao động. Dây chuyền sản xuất của Công ty được nhập khẩu từ Hàn Quốc là một chuỗi khép kín từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến ra thành phẩm, không phát sinh nước thải, bụi. Nhiều công đoạn của nhà máy đã dùng đến các cánh tay robot với độ linh hoạt và chính xác cao. Riêng khâu kiểm tra kỹ thuật chuyên sâu sẽ kiểm tra bằng máy móc. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm của công ty luôn bảo đảm, đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Theo các DN, xu thế tự động hóa trong sản xuất là điều tất yếu không chỉ ở các DN công nghệ cao mà hiện nay một số  DN gia công, may mặc, giày dép… Một số công đoạn sản xuất đã dần thay thế bằng máy móc tự động hóa. Điển hình là khâu đo và cắt vải đều được tự động hóa bằng công nghệ cắt laser. Một lần cắt có thể ra từ hàng trăm mảnh vải là các chi tiết của một sản phẩm, tất cả các thông số của mảnh vải được cắt đều có độ chính xác 100%. Sau khi vải được cắt sẽ tự động được đưa vào các băng chuyền và chuyển đến các vị trí của công nhân ngồi may.

Tiếp tục thu hút dự án có công nghệ cao

Thông tin từ Sở Công thương cho biết,  từ năm 2016 đến nay có khoảng hơn 80 dự án đi và hoạt động, trong đó có trên 70% là những nhà máy sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, bảo vệ môi trường. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu... Ngoài ra, tỉnh đã có quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Có thể nói, đến giai đoạn hiện nay, quy hoạch ngành công nghiệp trên địa bàn đã đáp ứng được định hướng chung của tỉnh “đi trước đón đầu”, phát triển công nghiệp công nghệ cao, mạnh về kinh tế biển.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết: Quan điểm của tỉnh là vẫn kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, có sức lan tỏa và không sử dụng nhiều lao động. Với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp các KCN, thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục triển khai, tập trung phối hợp với các công ty đầu tư hạ tầng nhằm kêu gọi, thu hút các dự án mới của các DN FDI và trong nước. Bên cạnh đó, rà soát tiến độ triển khai hạ tầng các KCN, phối hợp với các cơ quan chức năng gỡ khó cho các KCN giải phóng mặt bằng, có đất sạch để giao cho nhà đầu tư thứ cấp...

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 Công nghệ sản xuất tự động hóa được áp dụng ở nhiều công đoạn tại Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam Phú Mỹ.
Công nghệ sản xuất tự động hóa được áp dụng ở nhiều công đoạn tại Nhà máy Yoshino Gypsum Việt Nam Phú Mỹ.

 

;
.