Ngư dân thu bạc triệu chỉ sau vài giờ bủa lưới cá trích

Chủ Nhật, 31/10/2021, 21:16 [GMT+7]
In bài này
.

Thông thường, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm vào mùa khai thác cá trích, cá mai. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mùa “săn” cá trích bị chậm trễ 2,3 tháng, bù lại, chỉ sau vài tiếng đồng hồ ra biển, mỗi ngư dân có thể thu về vài triệu đồng/chuyến.

Ngư dân Nguyễn Toàn (TP. Vũng Tàu) thu hoạch cá trích sau chuyến ra khơi.
Ngư dân Nguyễn Toàn (TP. Vũng Tàu) thu hoạch cá trích sau chuyến ra khơi.

Sáng 30/10, thuyền của ông Nguyễn Toàn, ngư dân TP. Vũng Tàu vào trễ hơn mọi hôm. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi sau một đêm đánh bắt, ông Toàn nhanh tay gỡ hàng trăm con cá trích đang vẫy mình trong lưới cho kịp chuyến chợ sớm. “Bình thường, gần 7 giờ sáng ghe đã vào bờ, nhưng nay lưới trúng luồng cá, ham quá tôi cố kiếm thêm chút, nên vào muộn hơn thường lệ. Mẻ lưới này chắc cũng phải được hơn 4-5 tạ cá”, ông Toàn nói trong vội vã.

Cũng như các ngư dân khác tại đây, ông Toàn là dân chuyên đánh bắt cá trích với hơn 40 năm kinh nghiệm. Cứ vào giữa tháng 3 âm lịch, ghe của ông đậu tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu), đến giữa tháng 9 sẽ di chuyển về Bãi Trước để đánh bắt.

Nghề đánh bắt cá trích không quá khó khăn, chỉ chịu khó ra khơi 3-4 tiếng đồng hồ đã có thể thu về tiền triệu/ngày. Theo các ngư dân, ngư trường có cá trích, cá mai chỉ cách bờ khoảng 10, 12 hải lý, mỗi chuyến ra khơi một thuyền chỉ cần 3 đến 4 lao động. Sau vài tiếng đồng hồ, ngư dân có thể đánh được hàng trăm kg cá trích, tàu nào ít thì cũng được vài chục kg.

Ngư dân Phạm Đình Lân (TP. Vũng Tàu) cho biết, năm nào vào cuối tháng 3 âm lịch, ông cùng bạn thuyền sẽ đi “săn” cá trích. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngư dân phải tạm ngừng ra khơi trong thời gian giãn cách, do vậy việc đánh bắt bị trễ mất khoảng 3 tháng. Song bù lại, mùa cá trích năm nay lại bội thu, mẻ lưới nào nhiều thì vài tạ cá, ít cũng phải vài chục kg. “Tôi gắn bó với nghề này đã lâu, làm quanh năm, không nghỉ ngày nào hết trừ khi gió bão mới phải nghỉ, không thì cứ đánh suốt năm mùa nào lưới đó. Năm nay dịch bệnh phải lùi việc đánh bắt, nhưng mấy tháng không ra khơi cá có thời gian sinh sôi, nảy nở nên giờ chuyến nào đi cũng bội thu. Sau hơn 2  tháng giãn cách, tôi cũng đã kiếm được vài chục triệu đồng từ mùa cá trích này rồi, cũng coi như bù lại mấy tháng nghỉ dịch”, ông Lân cho hay.

Hàng ngày, ngư dân xuất bến từ 3 giờ sáng, đến tầm 7 giờ sáng sẽ cập bến. Cá sau khi đánh bắt được giũ vào tấm bạt lớn trải sẵn, được ngư dân phân loại, rồi cân bán ngay cho các đầu mối, người dân hay khách du lịch. Giá cá trích, cá mai tươi bán tại bãi dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày mỗi ngư dân có thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/chuyến. Với nhiều ngư dân, tuy cá trích có giá trị kinh tế không cao như cá ngừ, cá thu, mực, nhưng lợi thế là chỉ cần ghe công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Nhất là ngư dân không có nhiều vốn cho những chuyến biển đánh bắt xa bờ thì cá trích chính là nguồn lợi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đặc biệt, cá trích, cá mai chế biến được rất nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng như: chiên, nấu canh, làm gỏi, kho tiêu… ngoài ra cũng có thể phơi khô. Giá thành rẻ, dễ chế biến nên cá trích rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ, cá trích, cá mai có nhiều ở khu vực ven bờ biển BR-VT, trong đó, nhiều nhất vẫn là khu vực TP. Vũng Tàu và Long Hải, huyện Long Điền. Riêng tại TP. Vũng Tàu, hiện có khoảng 19 ghe thuyền chuyên đánh bắt cá trích. Tùy theo con nước, con gió, ngư dân sẽ di chuyển ghe để thuận tiện đánh bắt. Từ tháng 11 đến hết tháng 2 âm lịch năm sau, ngư dân khai thác cá trích, cá mai lại quay về khu vực Bãi Sau để tránh gió và đánh bắt cá rựa, cá đối… Cứ thế, nghề đánh bắt hải sản ven bờ BR-VT duy trì bền chặt theo những mùa cá, tạo nên nét đẹp đặc trưng của vùng duyên hải.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
Địa chỉ bán bể cá mini để bàn TPHCM bể cá mini
.