Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất
Với việc xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp, Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh đã tiếp sức cho DN đầu tư mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm có thế mạnh tại địa phương.
Sản xuất cà phê phin giấy tại Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nón Lá. |
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Dũng (TX. Phú Mỹ) chuyên sản xuất dụng cụ phục vụ nghề nail như: bàn nail, tủ đựng sản phẩm làm nail, bồn ngâm chân… cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, DN được hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để mua máy điêu khắc gỗ CNC 8 đầu. Thiết bị này cho sản phẩm có độ tinh xảo cao hơn, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng và chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức, Úc.
Ông Hoàng Đại Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Dũng cho biết, các sản phẩm xuất khẩu của DN là thế mạnh của tỉnh. Hiện nay, mỗi tháng Công ty xuất khẩu 4 container sản phẩm ra thị trường nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu 25 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong tỉnh đã được hỗ trợ nguồn vốn khuyến công để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ đó, nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới như Công ty TNHH Thực phẩm Amazon với các sản phẩm bột ca cao; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khang Việt Tiến với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá với sản phẩm cà phê; Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo với sản phẩm nước cốt nhàu.
Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) cho biết, trước đây cơ sở sử dụng máy móc truyền thống nên sản lượng thấp, chỉ bán lẻ ở thị trường nội địa và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Năm 2020, HTX đã đầu tư 600 triệu đồng (trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng) để mua máy nghiền công suất 200kg/giờ. Loại máy này có thể điều chỉnh được độ mịn của sản phẩm, giúp tăng chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng công suất gấp 7 lần so với trước. Nhờ đó, các sản phẩm hồ tiêu của Bầu Mây đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới như Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Mỹ…
Theo thống kê, giai đoạn 2014-2020, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ cho 6 mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ cho 115 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, với tổng số tiền hơn 14,7 tỷ đồng. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy kết nối giao thương các sản phẩm CNNT; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, chương trình khuyến công trong thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở, DN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Theo đó, chương trình đẩy mạnh hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển sản phẩm mới có chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
Tỉnh cũng ưu tiên phát triển sản phẩm CNNT gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từ đó giúp các cơ sở CNNT, DN kết nối với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng góp phần phát triển thị trường, tiêu thụ cho DN và quảng bá hình ảnh địa phương.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN