DN vận tải gặp khó vì đợt xăng dầu tăng giá kỷ lục

Thứ Sáu, 29/10/2021, 22:16 [GMT+7]
In bài này
.

Doanh nghiệp vận tải đường bộ trong thời gian vừa qua vốn đã lao đao vì dịch COVID-19 nay lại càng thêm khó khăn khi giá xăng dầu tăng mạnh.

Vừa ảnh hưởng dịch lượng hành khách đi lại rất ít nay giá xăng dầu tăng đã gây rất nhiều khó khăn cho DN vận tải.
Vừa ảnh hưởng dịch lượng hành khách đi lại rất ít nay giá xăng dầu tăng đã gây rất nhiều khó khăn cho DN vận tải.

Từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Với mức giá hiện nay (xăng 92 là 23110 đồng; xăng 95 - 24.330 đồng; dầu DO - 18.710 đồng), giá xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đã khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh chồng chất khó khăn.

Là doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe chạy tuyến cố định Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Toàn Thắng cho biết, việc xăng, dầu tăng giá gây nhiều khó khăn. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% doanh thu, đến nay tăng thêm khoảng 10% nữa khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng. Chi phí nhiên liệu một xe chạy 2 chiều tuyến Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh khoảng 550 ngàn đồng. Sau đợt xăng dầu tăng giá vừa qua, chi phí này lên tới 700 ngàn đồng. Trong khi, lượng khách đi xe hiện nay sụt giảm nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp hiện chỉ đưa vào hoạt động từ 5 đến 10% lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 10 - 15% so với trước dịch. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, sớm muộn gì doanh nghiệp vận tải cũng phải điều chỉnh giá cước. “Tuy nhiên việc điều chỉnh giá cước cũng không phải dễ do người dân vẫn còn e ngại đi lại Tình trạng này sẽ đẩy doanh nghiệp vận tải vào thế khó khăn chồng chất”, ông Trần Ngọc Khanh phân tích.

Còn ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh nhìn nhận, một khó khăn khác với các DN vận tải là họ đã sớm đạt được các hợp đồng vận chuyển với chủ hàng. Ngay cả trong đợt bùng phát dịch COVID-19, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí phòng chống dịch nhưng ít có DN vận tải nào nhận được sự thông cảm của các đối tác đã ký hợp đồng vận tải từ trước. Do đó, không dễ gì để DN vận tải có thể cáng đáng nổi chi phí phát sinh thêm từ diễn biến giá xăng, dầu. “Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải hàng hóa, xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên khoảng gần 40% giá thành”, ông Trung phân tích.

Vừa ảnh hưởng dịch lượng hành khách đi lại rất ít nay giá xăng dầu tăng đã gây rất nhiều khó khăn cho DN vận tải.
Vừa ảnh hưởng dịch lượng hành khách đi lại rất ít nay giá xăng dầu tăng đã gây rất nhiều khó khăn cho DN vận tải.

Về vận tải hành khách, hiện nay, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, phương tiện chỉ được chở tối đa 50% số ghế ngồi. Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải đưa ra mức giá cước mới phù hợp. Tất nhiên là phải tăng cao. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách.

Đối với các chính sách hỗ trợ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế giảm thuế, phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp cũng khó thực hiện vì sẽ tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu giảm mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ (phí BOT) sẽ liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nên xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Cách này sẽ ít gây xáo trộn tác động dây chuyền đến các lĩnh vực có liên quan.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

;
.