ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO TỈNH VỚI NHÓM DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Hỗ trợ vốn, giãn thuế, giãn nợ là cần nhất với DN

Thứ Bảy, 18/09/2021, 00:58 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT không để vắc xin tồn đọng khi được phân bổ, sẽ cân đối ưu tiên cho người lao động ở các DN, bảo đảm nhanh chóng phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, nhất là đối với khối DN trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nội dung được đặt ra trong buổi làm việc cuối cùng (sáng 17/9) của Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải phân loại cá  xuất khẩu. Ảnh: VÂN ANH
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải phân loại cá xuất khẩu. Ảnh: VÂN ANH

Khó khăn bủa vây

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ành hưởng không nhỏ đến khả năng chống chịu của các DN. Đã có nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất; chi phí sản xuất tăng cao do thực hiện phòng, chống dịch như test 3 ngày 1 lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy… khiến nhiều DN gần như không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Thông tin đến hội nghị tình hình khó khăn của ngành xây dựng, ông Phạm Văn Triêm, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh cho biết, dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động đầu tư xây dựng, thi công, giám sát, sản xuất, kinh doanh… phải tạm dừng. Để được phép hoạt động, các công ty phải thực hiện phương án “ 3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Với các phương án này, DN phải sắp xếp chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho công nhân; phải test nhanh 3 ngày/lần… nên gồng gánh rất nhiều khoản chi phí khiến nhiều DN “đuối sức”. “Nếu như tình hình dịch bệnh kéo dài và Nhà nước không có những chính sách hỗ trợ kịp thời thì chắc chắn nhiều DN phá sản”, ông Triêm nói.

Cho rằng việc lãnh đạo tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến, đối thoại và lắng nghe phản ánh của DN là hết sức kịp thời, tạo động lực để DN sẵn sàng khôi phục sản xuất, ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh BR-VT cho biết thêm, Hội Doanh nhân trẻ có 350 hội viên, hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề như: thương mại-dịch vụ, đầu tư, xây dựng, khách sạn, nhà hàng, kinh doanh vận tải, du lịch, sản xuất, đào tạo… Đây là những DNVVN, thậm chí DN siêu nhỏ, do đó khả năng chống chịu kém, sau đại dịch này, chỉ còn hơn 200 DN hoạt động.

Không chỉ khó khăn về nguồn lực để duy trì sản xuất mà các hoạt động về mở rộng thị trường, thu hút đầu tư cũng bị ngưng trệ. Báo cáo về các khó khăn của DN cũng như chủ đầu tư hạ tầng tại các KCN, ông Võ Tuấn Cường, Phó Giám đốc KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch, công ty chưa thu hút được thêm nhà đầu tư nào. Trong khi đó, các nhà đầu tư thứ cấp cũng hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Xe vận chuyển không thể vào cảng để xuống hàng được, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng bị đối tác hủy bỏ liên tục và thông báo không ký tiếp hợp đồng.

ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Đây là lúc bàn tính kỹ giải pháp mở cửa trở lại nền kinh tế 
Nhận thức rõ tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song điều này không có nghĩa là tiếp tục chờ đợi, mà ngay lúc này phải tính đến các kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng mà lãnh đạo tỉnh phải cân nhắc, tính toán và quyết định theo. Quan điểm lúc này là ưu tiên kiểm soát được dịch COVID-19 và từng bước khôi phục kinh tế theo nguyên tắc: Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính yếu là “Phòng, chống dịch - Phát triển kinh tế - An dân”. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo diện “hẹp” đối với khu vực có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Song song với kết quả kiểm soát dịch tiếp tục mở cửa lại nền kinh tế tương ứng, bảo đảm tính linh hoạt, bám sát diễn biến thực tế tại từng thời điểm. Tỉnh cũng từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh BR-VT sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hướng dẫn cụ thể cho các DN về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất công nghiệp, chế biến, cảng biển, logistics, du lịch, nông nghiệp. Từng bước phục hồi các hoạt động thương mại, dịch vụ, đầu tư, xây dựng; cải cách hành chính, hỗ trợ DN tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ về thuế, tài chính, ngân hàng để DN nhanh chóng hồi phục và phát triển.
Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, cùng với DN hành động để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt về cơ chế, chính sách; giải quyết nhanh chóng thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế; tăng cường cải cách hành chính; công khai, minh bạch các nguồn lực và việc phân bổ các nguồn lực, nhất là việc tiêm vắc xin.

 

Sẽ nghiên cứu nhiều mô hình mới, chứ không đông cứng
“3 tại chỗ” 
Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc triển khai “3 tại chỗ”  đã chứng minh được hiệu quả khi dịch bùng phát mạnh. Tại các KCN, CCN, cảng biển trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra chuỗi lây nhiễm hay ổ dịch nào. Qua đó cho thấy đây là phương án tốt nhất hiện nay trong điều kiện giãn cách xã hội để các DN  duy trì sản xuất, không bị đứt gãy. Tuy nhiên, thực tế khi giãn cách kéo dài, dịch bệnh càng phức tạp đòi hỏi hàng loạt điều kiện “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”. Trước mắt, phương án 3 tại chỗ và “1 cung đường, 2 địa điểm” vẫn sẽ được thực hiện tại các địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về lâu dài UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Vì vậy đề nghị DN chủ động căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 để thực hiện với 4 mô hình trong thời gian tới như sau: Mô hình “3 tại chỗ”, trong đó người lao động được luân phiên (thay ca trong 14 ngày) là người lao động ở địa bàn xã, phường, thị trấn “vùng xanh” được đưa đón tập trung đến thay ca; Mô hình vừa thực hiện “3 tại chỗ” vừa thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” bằng phương tiện đưa đón tập trung đối với doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn xã, phường, thị trấn  “vùng vàng”, “vùng xanh”; Mô hình vừa thực hiện “2 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ), vừa thực hiện “1 cung đường nhiều điểm đến” bằng phương tiện đưa đón tập trung đối với người lao động trong “vùng xanh”; Mô hình vừa thực hiện “2 tại chỗ” vừa thực hiện mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” bằng phương tiện cá nhân đối với DN ở vùng xanh và đối với người lao động ở “vùng xanh” theo nguyên tắc: “người lao động an toàn, hành trình an toàn, DN an toàn”.
Các ngân hàng sẵn sàng cho DN vay để phục hồi sản xuất
Theo ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT, có 3 vấn đề DN đề xuất đối với ngân hàng, đó là: Cơ cấu lại nợ; tạo điều kiện cho DN vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh và xem xét đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Thời gian qua, NHNN đã ban hành Thông tư 01, tiếp đó là Thông tư 03 và Thông tư 14, qua đó cơ cấu lại nợ, điều chuyển lãi vay, không trả lãi hoặc không chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; triển khai cho vay mới với lãi suất ưu đãi…  Với nguồn lực hiện nay, các ngân hàng sẵn sàng cho DN vay để phục hồi sản xuất, do đó DN hãy liên hệ với các ngân hàng để tiếp cận gói vay ưu đãi. NHNN chi nhánh BR-VT cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các ngân hàng thương mại thực  hiện nghiêm chính sách ưu đãi.
Ngành thuế nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ DN
Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Nam Bình cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Thuế tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 hoàn tất thủ tục, hồ sơ để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực thuế. Cùng với đó còn đẩy nhanh việc hoàn thuế, góp phần giúp DN giảm áp lực về tài chính, tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngành Thuế đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan nhanh chóng thẩm định hồ sơ. Đến nay, số tiền hộ kinh doanh được hỗ trợ tại nhiều địa phương lên đến hàng tỷ đồng. Cùng với việc hỗ trợ các hộ kinh doanh, ngành Thuế tích cực triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực thuế như: Gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 cho DN.
Giải ngân hơn 3 tỷ đồng vốn vay cho 10 DN
Hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh vừa giải ngân gần 940 triệu đồng cho 5 DN vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm DN được giải ngân vay vốn trong đợt này gồm: Công ty TNHH Trường  Vinh (TP. Vũng Tàu) được vay hơn 46,2 triệu đồng để trả lương cho 17 lao động; Công ty TNHH Dịch vụ Quảng cáo Ánh Linh (huyện Đất Đỏ), vay gần 1,6 triệu đồng trả lương 1 lao động  và 3 DN ở TX. Phú Mỹ là:  Công ty CP Gốm sứ Grantine VTC vay gần 342 triệu đồng, trả lương 85 lao động; Công ty CP Công nghệ Vĩnh Thọ, vay 389 triệu trả lương 88 lao động; Công ty CP Đầu tư Xây dựng thương mại phát triển Việt – Nhật, vay hơn 75 triệu đồng, trả luơng 17 lao động. Công ty TNHH Mai Anh (Xuyên Mộc) giải ngân gần 86 triệu đồng cho 25 lao động. Đây là lần thứ 2, Công ty TNHH Mai Anh được vay vốn ưu đãi này. Trước đó, giữa tháng 8, Công ty được vay gần 86 triệu đồng để trả lương cho 25 lao động.
Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, đến nay, NHCSXH Tỉnh đã giải ngân 10 DN vay trả lương ngừng việc, với tổng số tiền 3.072 triệu đồng cho 589 lao động.

DN cần tiếp sức ở những lĩnh vực gì?

Để vượt qua đại dịch, các DN đã đề nghị lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc, giúp DN tiếp cận các chính sách ưu đãi như giảm lãi suất, giãn, gia hạn nộp thuế, phí và đã biệt là nhanh chóng phủ vắc xin cho người lao động. Nhấn mạnh tiêm vắc xin có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp DN sớm phục hồi sản xuất, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland Group cho biết, hiện DN đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chuyên gia, kỹ sư phục vụ triển khai thi công dự án. Việc tập kết phương tiện máy móc lớn tại các công trường cũng gặp khó khăn. Do đó, DN đề xuất, cho phép DN tiếp nhận lao động tại các “vùng xanh” đáng áp dụng Chỉ thị 15 trên địa bàn các tỉnh lân cận. “Trong trường hợp DN sắp xếp được nguồn vắc xin tại TP.Hồ Chí Minh cho nhân viên, mong muốn tỉnh cho phép việc di chuyển người về TP.Hồ Chí Minh để tiêm. Chúng tôi sẽ di chuyển trên nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến” và thực hiện nghiêm 5K”, ông Bùi Xuân Huy nêu ý kiến.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ DN, ông Phạm Văn Triêm đề xuất, hệ thống ngân hàng thực hiện nghiêm Nghị quyết 68 của Chính phủ, xem xét lại các khoản vay của DN trong giai đoạn dịch bệnh để có chính sách tài trợ lãi suất vay. “Đề nghị ngân hàng giảm mức lãi suất đối với các khoản vay cũ và mới xuống còn 5-6%, đồng thời, tạo điều kiện cho DN vay các nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất ưu đãi; gia hạn thời gian trả nợ gốc đến quý II/2022 để DN có nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Triêm nói.

Đối với lĩnh vực thuế, BHXH, ông Phạm Văn Triêm đề nghị giảm tỷ lệ đóng các quỹ BHXH và chi phí Công đoàn trong thời gian 9 tháng, kể từ tháng 4/2021 đến hết tháng 12/2021. Ngành Thuế cho phép giãn thời gian đóng thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng của năm 2021 đến quý II/ 2022; miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT và thuế lợi tức cho DN, để DN cố gắng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm và đời sống người lao động, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Ghi nhận ý kiến của các DN, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ DN của tỉnh khẳng định, những vấn đề vướng mắc mà các DN đang gặp phải sẽ nhanh chóng được lãnh đạo tỉnh tháo gỡ. Ngay sau hội nghị này, từ ý kiến của DN tỉnh sẽ sớm xây dựng phương án sản xuất, trong đó ưu tiên hàng đầu là an toàn sức khỏe của người lao động. Các DN xây dựng phương án sản xuất an toàn mới được hoạt động trở lại. “Hiện nay, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ DN tỉnh đã được thành lập, trực tuyến 24/7. Trong quá trình hoạt động, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các DN hãy phản ánh về đường dây nóng của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ DN”, ông Vinh thông tin thêm.

Chia sẻ với lãnh đạo các DN, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho rằng, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì tới đây BR-VT không tiếp tục kéo dài việc giãn cách mà sẽ tập trung vào việc khoanh vùng hẹp và dập dịch hiệu quả. Do vậy, cộng đồng các DN rà soát lại để có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. “Các DN phải thích nghi cấu trúc lại để phù hợp với trạng thái bình thường mới, trong điều kiện dịch vẫn còn kéo dài, các DN cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số ở tất cả các hoạt động quản trị để thích ứng.Với lực lượng lao động hành chính cố gắng bố trí làm việc ở nhà; sử dụng thanh toán thông qua thẻ điện tử, thanh toán trực tuyến thay thế thanh toán bằng tiền mặt, kể cả chính quyền và DN cũng sẽ giao dịch trên nền tảng chính quyền số”, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

TRÀ NGÂN, LAM GIANG, PHAN HÀ

;
.