.

Chi phí vận chuyển tăng, nông dân tăng giá bán cá

Cập nhật: 23:01, 09/07/2021 (GMT+7)

Ngày 5/7, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã có văn bản kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ cá nước ngọt trên địa bàn xã Suối Rao. Tuy nhiên, theo phán ánh của một số tổ chức, cá nhân, từ ngày 8/7, giá cá bán tại vùng nuôi cao hơn so với văn bản thông báo và nhiều đơn vị cũng không đặt mua được. 

Theo văn bản của Hội Nông dân huyện Châu Đức gửi tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, hơn 50 tấn cá nước ngọt (gồm 30 tấn cá trắm cỏ và 20,5 tấn cá chép) của 7 hộ tại thôn 1, xã Suối Rao đang tồn đọng. Giá bán được niêm yết như sau: cá trắm cỏ loại 2-3kg/con giá 46.000 đồng/kg, loại 4-6kg/con giá 55.000 đồng/kg; cá chép loại 1-2 kg/con giá 43.000 đồng/kg, loại 2-3kg/con giá 50.000 đồng/kg. Giá bán trên đã bao gồm phí vận chuyển, cá sống bắt lên bảo quản trong túi xốp giao tới người tiêu dùng trong ngày.

Để hỗ trợ bà con tiêu thụ cá, trong những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã liên hệ thu mua cá. Tuy nhiên, các hộ nuôi đã báo giá cao hơn so với giá công bố trong văn bản. Ngoài ra, số điện thoại của người phụ trách cũng luôn trong tình trạng không liên lạc được, khiến người mua hàng bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 8/7, ông Nguyễn Thanh Chức, Tổ trưởng Tổ nuôi cá nước ngọt cho biết, gia đình ông tồn đọng khoảng hơn 10 tấn cá. Hội Nông dân xã Suối Rao cùng Hội Nông dân huyện Châu Đức đã kêu gọi người dân trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ cá. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn, đặc biệt là trong khâu vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Theo ông Chức, để bảo đảm cá tươi, sống tới người tiêu dùng, khâu vận chuyển cần xe tải có trọng tải lớn kèm thùng đựng cá có chứa bình ô xy. Trong khi đó, địa phương không có số lượng xe đáp ứng đủ yêu cầu trên, buộc người nuôi phải thuê xe từ nơi khác đến, nên chi phí thuê vận chuyển tăng cao, khoảng 3,5 triệu đồng/chuyến. Mặt khác, chi phí thuê nhân công đánh bắt cá lên bờ cũng tăng mạnh, dao động từ 400.000-450.000 đồng/công. “Nếu thương lái thu mua 50.000 đồng/kg, họ tự thu hoạch và vận chuyển, nên tôi chỉ bị lỗ khoảng 30%. Với giá bán hỗ trợ 55.000 đồng/kg như hiện nay, cộng thêm chi phí vận chuyển, thuê nhân công thì gia đình tôi lỗ hơn 50%. Vì vậy, tôi buộc phải ngừng bán theo kênh hỗ trợ tiêu thụ để không lỗ thêm”, ông Chức nói.

Ngày 9/7, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã liên hệ với Hội Nông dân huyện Châu Đức để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức thông tin, mặc dù giá bán cá đã được niêm yết trong văn bản kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cá nhưng do phương pháp tổ chức bán không khoa học, cả địa phương lẫn người nuôi chưa có kinh nghiệm nên chưa tính toán hết được các chi phí trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Trong khi đó, các đơn hàng đặt chủ yếu là đơn lẻ, khiến chi phí vận chuyển tới từng địa phương bị tăng lên từ 7-15 ngàn đồng/đơn, người nuôi lỗ nặng. Do vậy, các hộ nuôi cá đã tăng giá bán hoặc dừng bán do không đủ bù chi phí.

Theo ông Động, Hội đang phối hợp với các hộ nuôi và các đơn vị liên quan tổ chức lại cách thức bán. Trong đó, các hộ nuôi đề xuất thành lập điểm tiêu thụ cố định tại một số địa phương để giảm bớt chi phí vận chuyển, nhân công. Nếu triển khai được việc này, giá bán trên vẫn bảo đảm được thu nhập cho người nuôi. “Hội Nông dân huyện đang xin ý kiến Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành về việc điều chỉnh lại văn bản về giá bán cũng như cách thức triển khai để mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới”, ông Động nói thêm.

Cũng trong sáng 9/7, tại cuộc họp giao ban Hội Nông dân tỉnh, ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã yêu cầu Hội Nông dân xã Suối Rao có văn bản giải trình cụ thể về nguyên nhân tăng giá, cũng như có văn bản chính thức về việc tiêu thụ gửi tới UBND huyện, Hội Nông dân tỉnh về vấn đề trên. Để tránh xảy ra tình trạng như vừa qua, Hội Nông dân tỉnh sẽ triển khai các đợt hỗ trợ theo chương trình phối hợp 4 bên đã ký kết trước đó, nhằm đảm bảo việc hỗ trợ thống nhất, minh bạch và hiệu quả. 

PHÚC HIẾU - NHUNG HOA

.
.
.