Bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch bệnh
Sáng 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp tổ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng, xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp duy trì phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; giải ngân vốn đầu tư công…
Tỉnh cần có các giải pháp kiểm soát thị trường, bình ổn giá, bảo đảm nguồn cung ứng, lưu thông hàng hóa. Trong ảnh: Khách chọn mua thịt tại Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH |
TẬP TRUNG BÌNH ỔN, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG
Cập nhật tình hình thời sự trong tỉnh ông Bùi Chí Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nêu vấn đề, trong những ngày qua, khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca mắc COVID-19, một số chợ bị phong tỏa, tạm dừng hoạt động đã xuất hiện tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa. Ông đề nghị, tỉnh cần có giải pháp kiểm soát thị trường, bình ổn giá; tập trung nguồn lực kiểm soát, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, xâm nhập chợ, cửa hàng bán lẻ… để bảo đảm nguồn cung ứng, lưu thông hàng hóa không gặp khó khăn.
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng cho rằng, đối với việc bình ổn thị trường, ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá, tránh tình trạng tăng giá bất thường, găm hàng.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có GT-VT, du lịch. Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho hay, dịch bệnh COVID-19 phức tạp, kéo dài, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các DN vận tải trên địa bàn tỉnh. Nhiều DN vận tải hành khách, du lịch, xe hợp đồng các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cũng ngừng hoạt động 2 tháng nay. Đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các DN và các cơ sở này có thể duy trì và phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế.
Về công tác hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đề xuất, do dịch bệnh nên nhiều người lao động bị mất việc, cuộc sống khó khăn. Tỉnh cần nghiên cứu những giải pháp hỗ trợ, có chính sách bảo đảm cuộc sống cho người lao động, để hoạt động sản xuất không bị đứt gãy ngay khi dịch bệnh được khống chế. Về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, ông Huỳnh Sơn Tuấn cho rằng, việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng là điều cần thiết nhằm ngăn dịch lây lan. Tuy nhiên, việc triển khai cần có trọng tâm, chú trọng vào những khu vực có nguy cơ cao, tránh thực hiện tràn lan, gây lãng phí.
TIẾP TỤC GỠ VƯỚNG CHO ĐẦU TƯ CÔNG
Liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, các đại biểu cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc xử lý các dự án chậm triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là do nhiều nguyên nhân như: quy trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất chậm, áp giá bồi thường cho một số dự án có sự chênh lệch lớn nên người dân không đồng tình, khiếu kiện. Vì vậy, ông Danh đề nghị trong thời gian tới tỉnh và các ngành nên xem xét và có giải pháp để rút ngắn thời gian khảo sát giá đất, xác định giá đất và áp giá bồi thường theo hướng giảm sự chênh lệch của giai đoạn trước và sau, tránh tình trạng người dân không đồng tình, khiếu nại.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra. Bà Trần Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép ở một số địa phương đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nguyên nhân là do nhiều dự án đã quy hoạch kéo dài hàng chục năm nhưng không triển khai, trong khi người dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở dẫn đến xây dựng trái phép. Vì vậy, để thực hiện tốt Chỉ thị này, cần thường xuyên rà soát quy hoạch, những dự án nào chậm triển khai cần có giải pháp xử lý cụ thể.
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ ra rằng, trong những trở ngại của công tác đầu tư công, cần nhìn nhận nguyên nhân từ công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành, phối kết hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt, chưa được đồng bộ; khâu thủ tục hành chính giải quyết còn chậm. Những điều này cần phải được khắc phục, nhất là trách nhiệm của người chủ trì, đứng đầu.
Ngoài ra, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung; ngăn chặn tàu, thuyền đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài; xử lý hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen; nâng cao tỷ lệ phát triển đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ; tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng…
NHÓM PV THỜI SỰ