Ngày Đại dương thế giới năm nay (8/6), Liên Hợp quốc lấy chủ đề “Đại dương - Sự sống và sinh kế”, nhằm kêu gọi người dân chung tay cứu biển khỏi rác.
Rác thải đại dương trôi dạt vào bờ biển Bãi Sau (TP. Vũng Tàu) hôm 30/5 vừa qua. |
BIỂN OẰN MÌNH CHỨA RÁC
Loay hoay mãi, ông Trương Minh Ngọc (ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) mới cập được tàu vào cảng Bến Lội, bởi ngay dưới chân tàu, rác thải ken đặc, chủ yếu là nhựa, túi ni lông xếp thành từng lớp. Ông Ngọc cho biết, những năm gầy đây, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang ngày càng nghiêm trọng, có những thời điểm ngư dân như ông “thu hoạch rác thải nhựa nhiều hơn cả số lượng cá”.
Gần đây nhất là ngày 29 và 30/5, mỗi ngày hàng chục tấn rác thải đại dương như: bèo tây, chai, lọ, thùng xốp, hộp xốp… trôi dạt vào bờ, biến những bãi biển đẹp thơ mộng như: Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa, bãi Chí Linh của TP. Vũng Tàu thành những bãi rác trải dài hàng cây số. Ông Phan Xuân Huân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO) cho biết, hàng năm, các bãi biển Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương dạt vào, mỗi đợt kéo dài 3-5 ngày. Theo chu kỳ, có 2 đợt rác dạt vào nhiều nhất là cuối tháng 5 khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam và cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi thời tiết chuyển gió từ Tây Nam sang Đông Bắc. “TP. Vũng Tàu gần như không có các hoạt động phát sinh rác thải trên bãi biển. Đây là rác từ các nơi khác trôi dạt về nhưng chúng tôi chưa có cách nào ngăn chặn nổi. Giải pháp duy nhất hiện nay vẫn là huy động lực lượng thu gom và xử lý”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết.
Hàng năm, vào mùa gió chướng (từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 6 năm sau), nhiều bãi biển và khu rừng nguyên sinh ở huyện Côn Đảo lại phải “đón” rác thải từ đại dương dạt vào, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều loài sinh vật biển. Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, cách đây 2-3 năm, ước tính có gần 700 tấn rác đại dương trôi dạt về các bãi biển Côn Đảo thì nay, khối lượng rác này đã tăng thêm hàng trăm tấn. “Rác thải nếu không được thu gom kịp thời sẽ không những làm ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ gây nhiễm độc cho các loài thủy hải sản nuôi trồng, khu vực đánh bắt ven bờ, làm suy thoái hệ sinh thái ven biển quan trọng như: rạn san hô, thảm cỏ biển, động vật biển quý hiếm và làm mất bãi đẻ của các loài rùa biển”, ông Huệ cho biết thêm.
GIỮ ĐẠI DƯƠNG LUÔN XANH
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) nhận định, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Các sản phẩm từ nhựa, ni lông ra đời mang lại tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương. Thống kê cho thấy, khoảng 70% chất gây ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền, xuất phát từ những chất xả thải của dân cư, từ các ngành công nghiệp, xây dựng...
BR-VT là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển đã và đang phải hứng chịu những tác động không nhỏ từ các nguồn thải này. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, từ phân tích và nhận định của Bộ TN-MT, Sở đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng đưa ra sáng kiến để phục hồi hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh, đồng thời quyết tâm hành động thực hiện đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên; xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng bền vững và tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên.
Giữa tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Huhtamaki Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Tổ chức WasteAid - một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường tại Việt Nam, phối hợp với Tổ chức Plastic People (TP. Hồ Chí Minh), nhóm Chạy Nhặt (TP. Vũng Tàu) và Huyện Đoàn Long Điền đã tổ chức ra quân thu gom rác trên bãi biển Long Hải (huyện Long Điền), phát động phong trào nói không với rác thải nhựa, thực hiện phân loại rác, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong chương trình này, Tổ chức Plastic People chia sẻ, một trong những nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn là các giải pháp bền vững giúp giữ nguyên vật liệu luôn được tái sử dụng. Các loại rác thải đại dương sau khi thu gom cần được phân thành 2 loại: loại có khả năng tái chế và loại không có khả năng tái chế. Nhưng việc phân loại và xử lý rác thải đại dương chỉ là giải pháp đầu cuối, việc thường xuyên duy trì và hướng tới chính là vận động người dân, tổ chức cùng thay đổi hành vi từ những việc làm nhỏ, như sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế; sử dụng nguồn nguyên liệu xanh để bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học... “Khi ý thức đã xanh thì đại dương mới xanh”, đại diện Plastic People nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ