.
GỠ VƯỚNG ĐẤT CÔNG XEN KẸT ĐẤT DỰ ÁN

Bối rối vì thiếu thống nhất

Cập nhật: 20:31, 30/11/2020 (GMT+7)

Bị vướng đất công xen kẹt là nguyên nhân dẫn đến một số dự án bị chậm tiến độ. Nội dung này đã được đưa ra “mổ xẻ” và bàn hướng xử lý tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành (ngày 23/11).

Dự án Vườn Xuân có đất công bị xen kẹt trong dự án đã được Bộ TN-MT hướng dẫn tháo gỡ.
Dự án Vườn Xuân có đất công bị xen kẹt trong dự án đã được Bộ TN-MT hướng dẫn tháo gỡ.

Tại BR-VT, hiện nay, có hàng chục dự án bị xen kẹt đất công (tỷ lệ xen kẹt phổ biến dưới 7% tổng diện tích dự án), khiến việc hoàn thiện thủ tục đất đai gặp khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ toàn dự án.

Ông Lê Viết Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (HODECO) cho biết: Hầu hết các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh ít nhiều đều vướng đất công xen kẹt (đường mòn, mương nước). Diện tích các rẻo đất xen kẹt thường không lớn nhưng chạy dài, vắt qua nhiều khu vực dự án. HODECO có 3 dự án đang vướng phải tình trạng này. “Nếu những rẻo đất công nằm trong dự án không thể quản lý tách rời thì nên tính đến phương án giao đất cho chủ đầu tư có tính tiền sử dụng đất để đơn giản hóa thủ tục, giúp DN triển khai nhanh dự án”, ông Liên đề xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Dự án Vườn Xuân (Phường 12, TP.Vũng Tàu) nêu thực tế: “Các phần đất công xen kẹt có khi chỉ là những miếng nhỏ, hình dạng méo mó, nằm lẫn trong đất dự án, không có đường giao thông tiếp cận. Theo quy định của pháp luật, những miếng đất kiểu như vậy không đủ điều kiện để phân lô đấu giá, cũng như không được cấp Giấy CNQSDĐ cho các cá nhân, tổ chức. Do đó, nếu không đưa ra được giải pháp thỏa đáng và phù hợp thì rất nhiều dự án sẽ gặp khó khăn”, ông Toàn phân tích. Được biết, trước đây, Dự án Vườn Xuân cũng bị xen kẹt đất công. Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng của tỉnh BR-VT đã đề xuất giải pháp và xin ý kiến Bộ TN-MT tháo gỡ.

Theo hướng của Bộ TN-MT, do Dự án Vườn Xuân được chấp thuận chủ trương trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (1/7/2014), do đó, tỉnh BR-VT được thực hiện việc giao đất cho chủ đầu tư mà không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật. Khó khăn của Dự án Vườn Xuân sau đó đã được giải quyết.

Từ thực tế việc tháo gỡ cho Dự án Vườn Xuân, tháng 7/2020, Sở TN-MT đã có Văn bản số 4363 gửi UBND tỉnh xin chủ trương xử lý chung cho các dự án đang có vướng mắc tương tự. Sở TN-MT đề xuất phương án, đối với các dự án có chủ trương đầu tư sau 1/7/2014, sẽ tạm ngưng giải quyết việc giao đất, cho thuê đất đối với phần đất xen kẹt. Các dự án có chủ trương đầu tư trước ngày 1/7/2014, Sở TN-MT căn cứ tỷ lệ đất xen kẹt và các quy định pháp luật để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cho từng dự án cụ thể. “Nếu không sớm giải quyết vấn đề đất xen kẹt, nhiều dự án sẽ không bảo đảm tiến độ triển khai”, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh.

Phương án của Sở TN-MT đề xuất căn cứ từ quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (được bổ sung Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017) của Chính phủ. Nghị định này nêu rõ: “Trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án”. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ TN-MT, thì việc giao đất, cho chủ đầu tư thuê đất đối với diện tích đất Nhà nước đã thu hồi theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP không phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. 

Tuy nhiên, rắc rối phát sinh là ở chỗ, tháng 8/2020, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản số 10058/BTC-QLCS gửi Sở TN-MT hướng dẫn về công tác quản lý đất công xen kẹt dự án. Theo hướng dẫn, đất công nằm xen kẹt thuộc đối tượng được điều chỉnh bởi Điều 40 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Điều 7 Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Tức là, theo quan điểm của Bộ Tài chính, đất xen kẹt phải thực hiện đấu giá quyền SDĐ, chỉ trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Trao đổi về văn bản của Bộ Tài chính, ông Trương Kim Tân, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, đây là hướng dẫn dựa trên Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Thực tế, đối tượng điều chỉnh của Nghị định 167/2017/NĐ-CP là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất Nhà nước quản lý. Sau khi sắp xếp, nếu các cơ sở nhà, đất nằm xen kẽ trong khu dân cư mà Nhà nước không còn sử dụng nữa thì thu hồi, bán đấu giá. “Riêng đối tượng đất xen kẹt là các khu đất nằm xen kẽ trong đất dự án thì điều chỉnh bởi Luật Đất đai và không nhất thiết phải bán đấu giá, có thể chọn hình thức giao, cho thuê đất hoặc hình thức khác phù hợp”, ông Tân nói.

Các sở, ngành phải thống nhất ngay giải pháp tháo gỡ. Không để những vướng mắc này kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh

Bài, ảnh: THÀNH HUY

.
.
.