XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG: Lo lắng vì thiếu thông tin
Việc cung cấp thông tin chính thống là điểm yếu đang cần được khắc phục, giúp NLĐ giải tỏa bớt áp lực trước khi xuất ngoại.
Hàng ngày, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận, tư vấn khoảng 5 trường hợp hỏi thông tin về XKLĐ. |
Thiếu thông tin
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhiều thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà NLĐ Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu như: điều dưỡng, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… Điều này mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao cho NLĐ.
Tuy vậy, NLĐ còn thiếu thông tin về thị trường cũng như DN tổ chức XKLĐ. Anh Phan Thanh Nhựt Phàm (21 tuổi, ở 64/17 Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) có nguyện vọng đi XKLĐ tại CHLB Đức hoặc Hàn Quốc. Anh đã tìm hiểu thông tin về nơi sẽ XKLĐ, công việc sẽ làm cũng như DN tổ chức XKLĐ nhưng các thông tin này chủ yếu là từ… mạng xã hội và mạng Internet. “Tôi đã có chứng chỉ nghề lái xe nâng và muốn ra nước ngoài làm việc phù hợp với nghề để lo cho tương lai của mình. Tuy nhiên, tôi rất lo khi đọc thông tin qua báo chí thấy nhiều người bị lừa khi đi XKLĐ nên băn khoăn không biết công ty XKLĐ nào uy tín và bản thân mình sẽ làm công việc nào là phù hợp”, anh Nhựt Phàm bày tỏ.
Băn khoăn của anh Nhựt Phàm cũng là nỗi băn khoăn của nhiều NLĐ khi có ý định ra nước ngoài làm việc, bởi họ không được tư vấn đầy đủ hoặc thiếu thông tin về thị trường, về đơn vị XKLĐ. Thực tế, nhiều NLĐ đã phải chịu thiệt thòi vì thiếu thông tin về XKLĐ. Anh Bùi Văn Biên (ngụ đường Bình Giã, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Tốt nghiệp ĐH năm 2018, anh có ý định sang Nhật làm việc. Thông qua giới thiệu của người quen, anh Biên nộp hồ sơ và chi phí ban đầu 10 triệu đồng cho một công ty XKLĐ tại Hà Nội. Khi ra Hà Nội phỏng vấn, công ty yêu cầu chi phí dịch vụ và tiền đặt cọc quá cao nên anh Biên rút hồ sơ và xin lấy lại số tiền đã tạm ứng cho công ty nhưng không được, chưa kể anh còn tốn chi phí vé máy bay và các khoản khác. “Nếu ngay từ đầu, công ty này cung cấp thông tin đầy đủ thì tôi đã cân nhắc trước khi đăng ký phỏng vấn. Vậy là tôi vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc và công sức mà không được việc gì”, anh Biên cho hay.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng thiếu thông tin để cung cấp cho NLĐ. Chị Nguyễn Thị Hiền, công chức văn hóa-xã hội, UBND phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu cho biết, nhiều NLĐ muốn đi XKLĐ đã đến phường nhờ tư vấn. Tuy nhiên, chị cũng không nắm được đầy đủ thông tin về DN tổ chức XKLĐ, thị trường việc làm tại các nước nên không thể tư vấn được.
Cần sớm gỡ khó cho XKLĐ để hoạt động này hiệu quả hơn. Trong ảnh: NLĐ tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. |
NLĐ cần tiếp sức
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã được khống chế nên một số nước đã dần mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam qua làm việc trở lại khiến nhu cầu tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tăng mạnh. Ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Trưởng Phòng Dịch vụ việc làm-Thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ tháng 9, khi dịch bệnh được khống chế, các DN đã thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính đến cuối tháng 11, trung tâm tiếp nhận nhu cầu tuyển hơn 2.000 lao động đi XKLĐ. Trong đó, thị trường Nhật Bản cần hơn 1.000 lao động ở các ngành nghề: điều dưỡng, sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, dịch vụ khách sạn... “Đây là cơ hội tốt để tìm việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ trong bối cảnh nhiều lao động mất việc do tác động của dịch COVID-19”, ông Huy nói.
Cơ hội XKLĐ đi các nước đang rộng mở nhưng NLĐ đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, nhiều NLĐ không đủ điều kiện để được xét duyệt vay vốn đi XKLĐ. “Hầu hết NLĐ đều khó khăn về kinh tế nên có nguyện vọng vay vốn để đi XKLĐ. Để tiếp cận được gói vay này, NLĐ phải đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp, có hộ khẩu BR-VT... Nhiều người không đáp ứng được và phải từ bỏ ý định đi XKLĐ”, chị Nguyễn Thị Hiền cho hay.
Lao động Việt Nam rất cần cù, chịu khó và có những kỹ năng mà chúng tôi cần. Hiện nay, công ty đang tuyển lao động ra nước ngoài làm việc với số lượng không giới hạn. Đặc biệt, trong thời gian tới, chính phủ Nhật Bản có thể tiếp nhận 50.000 NLĐ Việt Nam sang làm việc. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn trẻ và gia đình các bạn cũng như NLĐ tại BR-VT khi đi XKLĐ. Khi có nhu cầu đi XKLĐ, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi. (Ông Saito Toshimi, Phó Giám đốc Công ty CP Hợp tác quốc tế Vinanippon, TP.Hồ Chí Minh) |
Ông Trần Anh Hiếu phân tích thêm, mức hỗ trợ vay vốn còn thấp khi chỉ bằng 50% chi phí ban đầu (thông thường khoảng 140-160 triệu đồng/trường hợp). Trong khi đó, phần lớn lao động muốn đi XKLĐ đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có tài sản thế chấp. Mặt khác, đối tượng NLĐ thuộc diện được ưu tiên vay vốn để đi XKLĐ còn hạn chế, chỉ bao gồm: thân nhân người có công với cách mạng, hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, người dân tộc thiểu số. Vì vậy, cơ hội XKLĐ cho những người không có khả năng về tài chính và không thuộc diện đối tượng được vay vốn ưu đãi ra nước ngoài làm việc là rất thấp.
Ngoài ra, một số thị trường có thu nhập ổn định nhưng chi phí cao, thời gian học ngoại ngữ dài nên NLĐ không có khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. NLĐ trước khi đi XKLĐ cần học ngoại ngữ ít nhất 3 tháng. Trong thời gian này, họ không thể lao động để trang trải cuộc sống hàng ngày và đây cũng là trở ngại lớn trên con đường chinh phục giấc mơ XKLĐ. “XKLĐ giúp NLĐ ổn định việc làm, tích lỹ vốn, nâng cao kỹ năng tay nghề, trình độ ngoại ngữ, có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao khi về nước. Chúng tôi mong tỉnh có chính sách hỗ trợ tối đa cho NLĐ khi muốn đi làm việc ở nước ngoài”, ông Hiếu bày tỏ.
NLĐ tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: NHÃ UYÊN |
Chia sẻ về kinh nghiệm trong hoạt động XKLĐ tại hội thảo “Xuất khẩu lao động-cơ hội nghề nghiệp, mở rộng tương lai” do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày 27/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc tuyển dụng Công ty CP Hợp tác quốc tế Vinanippon khuyên NLĐ cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ; tìm hiểu các quy định về hoạt động XKLĐ nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, qua đó hạn chế tình trạng lừa đảo trong XKLĐ. Khi ra nước ngoài làm việc, NLĐ cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật và tuân thủ quy định, pháp luật của nước sở tại; đồng thời tăng cường mối liên hệ với các cơ quan đại diện của Nhà nước và DN XKLĐ ở nước ngoài để có đầy đủ thông tin và các biện pháp bảo vệ tốt hơn.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN