.

Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội lớn từ Hiệp định RCEP

Cập nhật: 20:28, 30/11/2020 (GMT+7)

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa chính thức được ký kết. Trước một sân chơi kinh tế rộng lớn, các DN không còn cách nào khác phải tự nâng cao năng lực để tồn tại và phát triển.

Quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là lỏng hơn rất nhiều so với các hiệp định khác. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hặc Dịch, TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuất.
Quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là lỏng hơn rất nhiều so với các hiệp định khác. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hặc Dịch, TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuất.

TẠO RA THỊ TRƯỜNG RỘNG LỚN

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, DNNVV, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm của chính phủ. RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Như vậy, về quy mô GDP thì RCEP lớn gấp gần 3 lần so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và gấp 1,5 lần Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đặc biệt, nước ta nhập siêu từ các nước trong khối ASEAN khoảng 6 - 8 tỷ USD mỗi năm, RCEP sẽ giúp việc nhập khẩu những hàng hóa này được rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Theo Bộ Công thương, ký kết Hiệp định RCEP có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế cũng như DN trong một sân chơi kinh tế rộng lớn. Đặc biệt, thời điểm ký Hiệp định RCEP cũng chính là giai đoạn thế giới đang định vị tổ chức lại các chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư, Việt Nam là một trong ít quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi trong xu hướng chuyển dịch này.

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết thuế quan. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 %-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, còn các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7%-92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9%-100% số dòng thuế.

 

DN CẦN NẮM VỮNG CÁC QUY ĐỊNH TRONG RCEP

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, ngay từ bây giờ các DN cần đánh giá tác động dài hạn của Hiệp định RCEP trên con đường phục hồi hoạt động kinh doanh, từ đó đặt ra các kế hoạch cho tương lai. Các DN có thể xem xét các mối quan hệ thương mại hiện tại, xác định khoảng trống, tiềm năng lớn nhất để tạo các mối quan hệ mới và khai thác một số thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất. Ngoài ra, các DN cũng cần xem xét các chuỗi cung ứng hiện tại, trong khu vực hoặc toàn cầu để đánh giá tác động của Hiệp định RCEP lên mô hình kinh doanh trong tương lai. Điều này không chỉ quan trọng đối với DN có trụ sở tại các thị trường thành viên mà còn đối với bất kỳ DN nào kinh doanh trong khu vực, kể cả thị trường nội địa.

Đại diện một DN ngành may mặc tại BR-VT cho rằng, cơ hội cho các DN trong nước nói chung, DN ngành may mặc, chế biến xuất khẩu nông lâm thủy sản tại BR-VT nói riêng là rất lớn nếu biết tận dụng một cách hiệu quả các ưu đãi từ RCEP. Đặc biệt khi những quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là lỏng hơn rất nhiều so với các hiệp định khác. Nỗi ám ảnh về quy tắc xuất xứ từ sợi hay từ vải trở đi phải sản xuất tại Việt Nam sẽ được giải tỏa trong RCEP. Hiệp định cho phép thiết lập một quy tắc xuất xứ chung, tức là sử dụng nguyên liệu trong RCEP, khi xuất bán trở lại vào khối sẽ được hưởng ưu đãi. Cùng với đó, cánh cửa vào các thị trường chiến lược ngoài ASEAN cũng rộng mở hơn. “Tuy nhiên, các DN cần chú trọng nhiều hơn đến thương mại điện tử, thanh toán điện tử và coi trọng an toàn môi trường, sản xuất sạch ở chuẩn cao. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và rõ tác động về thuế quan đến từng nhóm hàng hóa, dịch vụ của mình để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp và khai thác triệt để các lợi thế cạnh tranh’’.

Theo Sở Công thương, các DN cần kịp thời nhận diện cơ hội, hiểu rõ thách thức để tạo giá trị mới cần được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực. RCEP có đặc điểm là không đòi hỏi quá cao về các tiêu chuẩn so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết nhưng lại coi trong tính bền vững và kết nối chuỗi giá trị khu vực, cho nên DN phải vừa nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, đầu tư cải thiện chất lượng mặt hầng truyền thống, vừa bảo đảm tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định xuất xứ để hưởng triệt để ưu đãi.

MINH LONG

 
.
.
.