Thắt chặt quản lý khai thác khoáng sản
BR-VT là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) phong phú, tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng tài nguyên bị khai thác trái phép, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường. Các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thắt chặt hơn nữa trong công tác quản lý TNKS.
Một hố sâu nguy hiểm đang ngày càng bị sụt lún, sạt lở do khai thác khoáng sản vượt quá quy hoạch cho phép tại TX. Phú Mỹ. |
KHAI THÁC KHOÁNG SẢN DIỄN RA PHỨC TẠP
Đơn cử như dự án nạo vét hồ Sông Hỏa (huyện Xuyên Mộc) do Công ty TNHH Dịch vụ - Sản xuất Cát Hà thi công tổ chức thực hiện khai thác tận thu đất, cát từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2021. Dự án được triển khai trên diện tích 55ha, độ sâu sau khai thác 20m, tổng trữ lượng khoáng sản được phép khai thác tận thu hơn 780.000m3. Tuy nhiên, trên thực tế Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất - Cát Hà đã thi công nạo vét ngoài ranh giới dự án từ 50 - 100m, trên diện tích hàng ngàn mét vuông, tạo thành nhiều hố sâu, dài, có những ao sâu gần 10m, rất nguy hiểm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ - Sản xuất Cát Hà chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Còn mỏ đá Puzolan Núi Sao (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) do Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư tổng hợp và hợp tác quốc tế làm chủ đầu tư có diện tích được cấp phép gần 60ha. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động (năm 2014) đến nay, Công ty chỉ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường tại tỉnh BR-VT với số tiền 9 tỷ đồng. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng được tính dựa theo sản lượng thực khai thác (khoảng 500.000 tấn/năm) thì không giám sát được sản lượng khai thác do đơn vị xuất hóa đơn tại công ty mẹ và đóng thuế tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, thời gian gần đây, hoạt động KTKS trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, cơ quan chức năng đã triển khai hơn 30 lượt kiểm tra hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh, phát hiện 8 vụ KTKS trái phép, có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Các ngành chức năng và địa phương đã triển khai 541 buổi kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 101 trường hợp KTKS trái phép; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,5 tỷ.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT, hiện nay nguồn cung ứng đá, cát, vật liệu san lấp tại các mỏ KTKS trong quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mất cân đối cung - cầu thị trường, khiến giá VLXD tăng lên. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động KTKS rất cao, các đối tượng đã tổ chức KTKS trái phép một cách tinh vi, có quy mô, hoạt động vào ban đêm, rạng sáng, ngoài giờ hành chính, cắt cử người cảnh giới, theo dõi để đối phó, trốn tránh hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, chế tài hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nên hiệu quả thấp, chưa đủ răn đe các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, quy hoạch KTKS tỉnh giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 cho thấy nguồn VLXD trong quy hoạch không đáp ứng nhu cầu thực tế, vật liệu san lấp thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, công suất - trữ lượng tối đa theo giấy phép KTKS hiện hữu chỉ đáp ứng 70% nhu cầu đá xây dựng; 37% nhu cầu vật liệu san lấp. Trước thực tế này, UBND tỉnh đã đồng ý cho Sở TN-MT bổ sung 11 khu vực thăm dò KTKS mới, nâng tổng số các mỏ KTKS trên địa bàn tỉnh lên 60 điểm mỏ với diện tích 1.704,52ha. Trong đó, đá xây dựng có 30 khu vực với 957,76ha, trữ lượng gần 206.948.000m3; cát xây dựng 13 khu vực với 388,82ha, trữ lượng 9.487.000m3; sét gạch ngói 4 khu vực với 135,93ha, trữ lượng 6.895.000m3; vật liệu san lấp có 11 khu vực với 175,91ha, trữ lượng 31.689.000m3; than bùn 2 khu vực với 46,10ha, trữ lượng 242.000 tấn; khối lượng đất cát nạo vét hồ khoảng 27.250.000m3.
Khai thác khoáng sản bừa bãi làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Trong ảnh: Khai thác cát vượt quy hoạch cho phép một mỏ khai thác cát trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. |
Theo Sở TN-MT, để thắt chặt hơn nữa việc quản lý đối với lĩnh vực này, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện thu hồi giấy phép khai thác và yêu cầu các DN đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường ở những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh. Còn đối với các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động KTKS thì phải cắm mốc tại thực địa các điểm khép góc khu vực thăm dò, KTKS theo tọa độ đã ghi trong giấy phép trước khi hoạt động; vật liệu và kích thước mốc điểm góc khu vực khai thác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Trong quá trình cấp phép, tỉnh cũng yêu cầu các DN KTKS phải có tư cách pháp nhân tại BR-VT để tránh tình trạng thất thu thuế từ hoạt động KTKS”, ông Lợi cho biết.
Bài, ảnh: QUANG VŨ