.

Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ: Không thiếu nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Cập nhật: 21:18, 08/03/2020 (GMT+7)

Đây là khẳng định của Sở Công thương cũng như đại diện các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trước tình trạng người dân đổ xô mua sắm dự trữ trong 2 ngày cuối tuần qua. Theo đó, lượng hàng hóa trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả luôn được giữ bình ổn.

Khách hàng chờ thanh toán tại cửa hàng tự chọn Hồng Thanh sáng 8/3.
Khách hàng chờ thanh toán tại cửa hàng tự chọn Hồng Thanh sáng 8/3.

ĐỔ XÔ ĐI MUA HÀNG

Sáng Chủ nhật 8/3, có mặt tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu, lượng khách đến mua sắm khá đông. Ngoài khu vực thức ăn nhanh, các kệ hàng như: mì gói, thực phẩm khô, gia vị, khu tươi sống, rau củ... có đông đảo khách chọn hàng. Người ít cũng 1 thùng, người nhiều thì 3-5 thùng mì, miến, bánh đa, dầu ăn… Các xe hàng chờ tính tiền chất đầy hàng hóa. Ông N.M.H (nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Do lo ngại dịch bệnh COVID-19 nên gia đình tôi hạn chế ra ngoài ăn, tôi tranh thủ vào siêu thị mua thêm ít thực phẩm, mì gói, sữa dùng dần”.

Bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu cho biết, 2 ngày qua, lượng khách đến siêu thị mua sắm tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Nhóm hàng hóa tiêu thụ nhiều nhất là nhóm thực phẩm, rau củ quả. Để bảo đảm hàng hóa và phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, siêu thị đã chủ động tăng nguồn hàng lên 20-30% so với ngày thường và tăng cường nhân viên ở tất cả các bộ phận để vận chuyển, thanh toán, tiếp thêm hàng hóa lên kệ.

Còn tại cửa hàng tự chọn Hồng Thanh (104, Lý Tự Trọng, TP. Vũng Tàu), ghi nhận sáng 8/3 người dân cũng tấp nập đến mua hàng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Thanh cho biết, sau khi có bệnh nhân COVID-19 thứ 17, sức mua tại cửa hàng 2 ngày cuối tuần tăng đột biến, gấp 3 lần so với ngày thường. Cửa hàng phải huy động toàn bộ nhân viên để tiếp hàng, thanh toán tiền cho khách.

Một người dân chọn mua mì gói tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu sáng 8/3.
Một người dân chọn mua mì gói tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu sáng 8/3.

KHÔNG THIẾU NGUỒN CUNG

Theo các cửa hàng, siêu thị, 2 ngày qua tuy sức mua tăng mạnh nhưng nguồn hàng tại các DN này vẫn đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hàng. Các DN đã xây dựng chi tiết kịch bản ứng phó với dịch bệnh nên nguồn cung hàng hóa, trong đó có các mặt hàng thiết yếu luôn bảo đảm. Do đó, người dân không nên quá lo lắng, hoang mang, đồng thời có kế hoạch mua sắm hàng hóa hợp lý, không nên tích trữ quá nhiều. Bà Ngô Minh Tuyến thông tin thêm, siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu luôn cam kết bảo đảm đủ nguồn hàng bảo đảm an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không tăng giá trong mọi trường hợp. Siêu thị cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, khi đi mua hàng tại siêu thị cũng nên đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho mình và cho cộng đồng.

Người dân chọn mua thịt tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu sáng 8/3. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Người dân chọn mua thịt tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu sáng 8/3. 

Còn theo đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), các kênh phân phối của đơn vị, trong đó có hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc lượng hàng dự trữ tăng khoảng 30-50% so với ngày thường. Các mặt hàng này bao gồm gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán. Cùng với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, các điểm bán còn liên tục khử trùng các dụng cụ tiếp xúc với khách hàng như giỏ hàng, xe đẩy, quầy kệ…; các nhân viên được đo nhiệt độ trước khi vào - hết ca làm việc, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để thu gom hoặc lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh. Đặc biệt chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu; trường hợp phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay các DN vẫn giữ đơn hàng ổn định nên lượng hàng ở các siêu thị của tỉnh tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, vì vậy người dân không nên hoang mang, lo lắng. Trước những thông tin về dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng như tâm lý lo sợ, hoang mang của một bộ phần người tiêu dùng, Sở yêu cầu các siêu thị trên địa bàn tỉnh nhanh chóng ký hợp đồng cung cấp với nhà sản xuất, đồng thời theo dõi thị trường để có kế hoạch dài hơi cho các loại  hàng hóa thiết yếu, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trong trường hợp xảy ra bệnh dịch tại vùng lân cận hoặc tại địa phương. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cần có kế hoạch cụ thể làm việc với các chợ, báo cáo về Sở Công thương trong trường hợp thiếu hàng hóa thiết yếu.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.