Doanh nghiệp gặp khó vì chuyên gia mắc kẹt ở vùng dịch
Sáng 27/2, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN trên địa bàn TX. Phú Mỹ. Qua kiểm tra, các DN đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, tại một số DN, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do một số chuyên gia chưa thể trở về từ vùng dịch.
Nhân viên Công ty TNHH Twinkle Việt Nam đo kiểm tra thân nhiệt cho khách khi tới DN làm việc. |
TUÂN THỦ QUY ĐỊNH PHÒNG CHỐNG DỊCH
Tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, TX. Phú Mỹ) công nhân đều mang khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và được đo thân nhiệt hàng ngày. Ông Yang San Hsien, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Twinkle Việt Nam cho biết: Công ty hiện có 1.000 lao động, trong đó có 25 chuyên gia đến từ Đài Loan, Trung Quốc. Ngay từ ngày đầu tiên làm việc sau Tết Nguyên đán, công ty đã chủ động mua các trang thiết bị cần thiết để phòng lây nhiễm dịch COVID-19 như máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát trùng, khẩu trang y tế… Ngay cả khách hàng đến giao dịch cũng phải được đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn, đeo khẩu trang ngay từ cổng bảo vệ mới được vào công ty.
Còn tại Công ty TNHH Tong Hong Tannery Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ), ông Chen Chun Zhi, Tổng giám đốc cho hay, ngày 31/1 có 20 lao động người Hàn Quốc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. “Chúng tôi ý thức được dịch COVID-19 gây ra rất nguy hiểm, nên trước khi lao động lên xe đón ở sân bay đã được kiểm tra thân nhiệt, nếu trên 37,3 độ C sẽ được đưa đến bệnh viện kiểm tra, không có vấn đề mới được đưa về công ty. Mỗi ngày vào công ty, 20 lao động trên được kiểm tra thân nhiệt và bố trí ở phòng riêng tại ký túc xá. Tại đây, những người lao động ăn, ở, sinh hoạt bình thường, quần áo hàng ngày sẽ bỏ vào túi riêng để ngoài cửa, nhân viên vệ sinh sẽ thu gom xử lý” ông Chun Zhi nói.
Tương tự, tại Công ty TNHH Prime Asea (KCN Mỹ Xuân A2), ngoài các giải pháp phòng chống dịch trên, công ty còn thành lập tổ ứng phó khẩn cấp bao gồm các bộ phận như: khử trùng, liên lạc, tuyên truyền, quản lý vật tư… các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ và thực hiện kỹ.
SẢN XUẤT GẶP KHÓ VÌ THIẾU CHUYÊN GIA
Theo phản ánh của các DN, hiện họ đang gặp khó khăn khi phần lớn lao động nước ngoài, đa số là các chuyên gia, kỹ sư công nghệ cao từ các nước đang có dịch chưa thể quay lại làm việc.
Đại diện Công ty TNHH Tong Hong Tannery Việt Nam cho biết, công ty có 50 người lao động là chuyên gia người Đài Loan, Trung Quốc thì có tới 30 người chưa quay lại DN làm việc. Họ đều là các chuyên gia phụ trách bộ phận kỹ thuật, các dây chuyền sản xuất chính nên một số công đoạn của nhà máy đang tạm ngừng hoạt động. Hiện công suất hoạt động chỉ đạt tối đa 70%, thiệt hại ước tính 200 ngàn USD/ngày.
Trong khi đó, ông Yang San Hsien, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Twinkle Việt Nam cũng thông tin, công ty hiện có 21 chuyên gia người Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc, họ hầu hết là những chuyên gia nắm toàn bộ công nghệ sản xuất khó có thể thay thế. Cho nên, từ dịp Tết đến nay, công ty chỉ hoạt động cầm chừng.
Các DN kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có các giải pháp hỗ trợ để sớm cho các chuyên gia quay trở lại Việt Nam làm việc. DN cam kết, sẽ yêu cầu những lao động này khi trở lại Việt Nam sẽ tuân thủ việc cách ly để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, sẽ bố trí cho họ nơi làm việc và sinh hoạt riêng và nghiêm cấm đi ra ngoài khu vực cách ly.
Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN, toàn tỉnh hiện có 667 lao động người Trung Quốc và Đài Loan đang làm việc tại các DN trong KCN, trong đó có 357 lao động người Trung Quốc, tập trung nhiều nhất ở KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ, kế đến là các KCN ở huyện Châu Đức. Đến thời điểm này đã có khoảng 215 người Trung Quốc quay trở lại làm việc, tất cả thuộc diện cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế và đã hoàn tất thời gian cách ly. |
Ghi nhận những khó khăn của các DN, ông Trần Văn Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các KCN tổng hợp, từ đó, kiến nghị tỉnh có những chính sách hỗ trợ, giúp DN phục hồi sản xuất. Riêng về việc có cho phép chuyên gia quay trở lại làm việc vào thời điểm này hay không, ông Tuấn cho rằng, địa phương phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: THANH NGA