Chao đảo "sóng" vàng, người mua dè dặt
Việc bùng phát dịch COVID-19 làm giá vàng trong nước bật tăng mạnh, vượt qua mức 49 triệu đồng/lượng vào ngày 24/2. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, giá vàng lập tức lao dốc. “Cơn sóng” vàng đang trong thời điểm rất dữ dội. Lướt sóng vàng lúc này, thắng thua chỉ trong nháy mắt. Do đó, tâm lý chung của những người đầu tư vẫn là bán ra chốt lời và thận trọng trong việc mua vào.
Khách hàng mua vàng tại PNJ Vũng Tàu sáng 27/2. |
Theo đại diện các thương hiệu vàng SJC, Doji, PNJ, thị trường vàng mấy ngày qua tăng giảm thất thường và không có giao dịch đột biến. Chủ yếu là người đến bán vàng chốt lời. Chênh lệch giữa giá mua và bán dao động từ 300.000 - 700.000 đồng/lượng. Việc không nới rộng về chênh lệch giá mua - bán cho thấy, DN nắm thế chủ động trước diễn biến của giá vàng.
Tại các trung tâm vàng bạc lớn trên địa bàn tỉnh, mấy ngày qua lượng khách tới giao dịch chủ yếu là bán ra. Bà Mai Thị Thu Xuân, chủ tiệm vàng Ngọc Xuân (161-163 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu) cho biết, kể cả khi giá vàng lao dốc (sau đỉnh hơn 49 triệu đồng), thì lượng khách đến bán vẫn nhiều hơn so với khách mua vào. Điều này cho thấy, nhà đầu tư khá thận trọng. “Việc lướt sóng vàng vào thời điểm này mà không chủ động nguồn tiền nhàn rỗi sẽ tiềm ẩn rủi ro. Cần nhớ rằng, giá vàng trong nước hiện đang chênh lệch khá lớn so với giá vàng thế giới. Do đó, không loại trừ trường hợp sẽ tiếp tục giảm”, bà Thu Xuân cho biết.
Trong 2 ngày qua, người dân chủ yếu bán vàng, ít có người mạo hiểm mua vàng. Trong ảnh: Người dân bán vàng tại tiệm vàng Ngọc Xuân sáng 27/2. |
Theo anh T.Q.T một người “lướt sóng” vàng chia sẻ: “Diễn biến giá vàng mấy ngày qua làm tôi không dám mua vào. Rủi ro quá lớn. Lướt sóng vào lúc này thắng thua như trở bàn tay”.
Nhận định về diễn biến của giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, trong năm nay, giá vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như bầu cử Tổng thống Mỹ, các cuộc xung đột giữa Mỹ - Trung, Mỹ - Triều Tiên và Mỹ - Iran… Tuy nhiên, những yếu tố này có thể sẽ kiểm soát được, còn yếu tố phát triển của dịch bệnh là không thể kiểm soát. Do đó, mức kháng cự 1.700 USD/ounce là bấp bênh và có thể vượt bất cứ lúc nào.
Tính đến cuối giờ sáng 27/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,5-46,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối ngày 26/2. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 46,15-46,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Trong khi đó, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 45,8-46,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi. Tuy nhiên, so với mức giá bán thời điểm ngày vía Thần Tài, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 3 triệu đồng. |
“Những ngày qua, thị trường vàng thật sự chao đảo bởi thông tin liên quan đến dịch COVID-19. Do đó, thị trường vàng rất khó dự báo. Vì vậy, việc đầu tư giữ vàng để chờ lên giá là rất rủi ro. Người dân có tiền không nên bỏ hết trứng vào một giỏ mà nên phân bổ vào các kênh đầu tư khác”, ông Trần Thanh Hải đưa ra lời khuyên.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU