Quýt đường trở "đắng"
Vụ quýt Tết năm nay, các nhà vườn tại huyện Xuyên Mộc, vựa quýt đường lớn nhất của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi cây quýt nhiễm bệnh, năng suất thấp, trong khi, giá quýt đang trong chiều hướng đi xuống.
Năm nay, vườn quýt đường của gia đình ông Phạm Tấn Sang (ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) chỉ đạt khoảng 20% so với những năm trước đây. |
Nếu như mọi năm, thời điểm này, vườn quýt của gia đình ông Phạm Tấn Sang (ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) trĩu quả, thì năm nay, năng suất chỉ đạt khoảng 20%.
Ông Sang cho biết, gia đình ông trồng 1,5ha diện tích quýt đường (với hơn 800 gốc). Những năm trước, thời điểm này vườn quýt đã trĩu quả và chuẩn bị thu hoạch để đem ra thị trường Tết. Thế nhưng năm nay, khi cây quýt ra hoa, gặp mưa trái mùa nên hoa rụng, dẫn đến năng suất giảm mạnh. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn quýt, ông Sang buồn rầu nói: Các năm trước, mỗi cây đều đạt từ 150 đến 200 quả thì năm nay trên cây chỉ lác đác được vài chục quả, sản lượng giảm khoảng 70-80%. Hiện phần lớn diện tích trái vẫn còn xanh và nhỏ, có thể phải ra tháng Giêng mới cho thu hoạch.
Ngoài chuyện năng suất thấp, năm nay, giá quýt vẫn trong chiều hướng giảm, khiến nông dân như ngồi trên lửa. Ông Nguyễn Văn Chương (ấp 4A, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, 3 năm trở lại đây, giá quýt giảm liên tục (hiện chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg). Với mức giá này nông dân không thể có lời, bởi chi phí đầu tư cho cây quýt khá cao, nhất là vào vụ Tết.
Để cắt lỗ, nhiều nông dân buộc phải giảm diện tích trồng. Trước đây, vườn nhà ông Chương có 3.000 gốc quýt thì nay chỉ còn 1.500 gốc, sản lượng quýt Tết vì thế cũng giảm mạnh, dự kiến vụ Tết này ông chỉ thu được khoảng 3 tấn. “Do mấy năm gần đây giá quýt xuống thấp, tôi buộc phải chặt bỏ bớt cây quýt để xen mãng cầu Thái”, ông Chương cho hay.
Trước đây, cây quýt đường từng là loại cây trồng chủ lực của xã Tân Lâm. Cũng nhờ trồng loại trái này, nhiều hộ gia đình ở Tân Lâm vươn lên khá giả, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế của xã Tân Lâm đã thay đổi rõ rệt. Ông Phạm Văn Thi (ấp Bàu Sôi, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc), một trong những hộ đã từng đi lên từ cây quýt cho hay: Cách đây khoảng 5-6 năm về trước, trồng quýt mang lại hiệu quả cao, ít có dịch bệnh. Phong trào trồng quýt đường ở Tân Lâm cũng vì thế mà phát triển mạnh mẽ, diện tích tăng lên từng vụ do người dân đổ xô nhau đi trồng. Theo những hộ dân ở Tân Lâm, quýt đường ở đây có nguồn gốc từ miền Tây nhưng trái to hơn và múi nhiều nước nên rất được thị trường ưa chuộng. Những năm đầu, trung bình mỗi héc ta quýt vào vụ thu hoạch cho sản lượng hơn 30 tấn/vụ, giá bán cũng luôn ở mức cao, từ 30-35 ngàn đồng/kg. Nhiều hộ trồng quýt ở đây đã trở thành tỷ phú từ cây quýt đường. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, dịch bệnh và giá cả bấp bênh đã làm cho cây trồng này không còn đem lại lợi nhuận, thậm chí tái đầu tư nhưng vẫn không mang lại hiệu quả như trước, nhiều hộ buộc phải chặt bỏ thay thế các loại cây trồng khác.
Ông Nguyễn Quốc Đại, Phó phòng Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc cho biết: Trong những năm gần đây, diện tích trồng quýt đường trên địa bàn huyện liên tục giảm mạnh, hiện còn khoảng 280ha (giảm 150ha so với năm 2017). Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã có một số biện pháp để hỗ trợ nông dân trồng quýt, trong đó huyện duy trì phát triển các hộ có kinh nghiệm và diện tích trồng quýt lớn, còn những địa phương trồng theo phong trào, diện tích nhỏ lẻ, huyện định hướng chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như mít, thanh long, đu đủ để nông dân yên tâm sản xuất.
Bải, ảnh: PHÚC HIẾU