.

Hiệu quả từ mô hình sản lúa VietGAP

Cập nhật: 10:28, 06/01/2020 (GMT+7)

Nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, vụ lúa Mùa 2019, trên địa bàn xã An Ngãi (huyện Long Điền) đạt năng suất cao, bán được giá.

Mô hình sản xuất lúa VietGAP của Hội Nông dân xã An Ngãi (huyện Long Điền).
Mô hình sản xuất lúa VietGAP của Hội Nông dân xã An Ngãi (huyện Long Điền).

Vụ lúa Mùa 2019, 15 hộ hội viên nông dân xã An Ngãi tham gia thực hiện sản xuất lúa VietGAP trên tổng diện tích 7,5ha, với giống OM 4900 (0,5ha/hộ). Do chủ động xuống giống sớm, thời tiết thuận lợi, cùng với chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên lúa phát triển tốt, năng suất tăng cao, bình quân từ 7 – 8 tấn/ha. Đến thời điểm hiện nay bà con nông dân đã thu hoạch, thương lái mua lúa tươi tại ruộng có giá từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (tiền giống, phân bón…) mỗi hộ nông dân có lãi khoảng 14 triệu đồng/0,5ha.

Được biết, trên địa bàn xã An Ngãi có 95ha diện tích trồng lúa (3 vụ lúa/năm), năng suất bình quân từ 6 – 6,5 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 1.750 tấn lúa/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng thu hoạch tăng lên hàng năm.

Theo ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền, trong thời gian tới, Hội nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội Nông dân xã An Ngãi mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

LƯƠNG TUẤN HẢI
(Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ngãi)

 

.
.
.