.

Hỗ trợ tăng năng lực sản xuất cho công nghiệp nông thôn

Cập nhật: 19:27, 01/10/2019 (GMT+7)

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) từng bước được cải tiến về mẫu mã, chất lượng, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng trong và ngoài nước.

Đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất giúp Công ty TNHH SX-TM-DV và thiết kế xây dựng Tuấn Dũng giảm chi phí và tăng lợi nhuận 40% so với trước.
Đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất giúp Công ty TNHH SX-TM-DV và thiết kế xây dựng Tuấn Dũng giảm chi phí và tăng lợi nhuận 40% so với trước.

Đến thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH SX- TM-DV Tiến Dũng (xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ), chúng tôi thật sự bất ngờ khi những sản phẩm gỗ tinh xảo ở đây được sản xuất hoàn toàn tự động. Trước đây, các công đoạn đều phải do bàn tay người thợ bào, chuốt thì nay chỉ cần nhấn nút điều khiển, những “cánh tay rô bốt” sẽ chạy ngang, dọc trên tấm gỗ. Theo đó, sau 3-5 phút sản phẩm tạo ra đúng với bản vẽ đã thiết kế. Ông Hoàng Đại Hải, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Tiến Dũng (Công ty Tiến Dũng) cho biết, cơ sở chuyên sản xuất các dụng cụ cho nghề nail như: bàn nail, tủ đựng sản phẩm làm nail, bồn ngâm chân… cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Để có được những sản phẩm đẹp mắt, đáp ứng tính thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng, với nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 180 triệu đồng, Công ty Tiến Dũng đã đầu tư thêm 180 triệu đồng để mua máy điêu khắc gỗ CNC 8 đầu (Model MK-1818A8 mới 100%). Thiết bị này giúp sản phẩm đạt độ tinh xảo cao hơn, được thị trường các nước như Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức, Úc... ưa chuộng. Hiện nay, mỗi tháng Công ty Tiến Dũng xuất khẩu 4 container sản phẩm ra thị trường nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ đồng/năm.

Công ty TNHH SX TM-DV Nam Cường Đoàn Kết (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) được hỗ trợ 200 triệu đồng từ chương trình khuyến công để đầu tư máy móc sản xuất. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Công ty TNHH SX TM-DV Nam Cường Đoàn Kết. Ảnh: TRÀ NGÂN
Công ty TNHH SX TM-DV Nam Cường Đoàn Kết (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) được hỗ trợ 200 triệu đồng từ chương trình khuyến công để đầu tư máy móc sản xuất. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Công ty TNHH SX TM-DV Nam Cường Đoàn Kết. 

Từ chỗ chuyên sản xuất những mặt hàng cơ khí thủ công, tháng 8/2019, Công ty TNHH SX-TM-DV và thiết kế xây dựng Tuấn Dũng (phường Long Toàn, TP.Bà Rịa) đã đầu tư hoàn thiện máy móc thiết bị trong sản xuất cửa nhôm, cửa cao cấp như: Máy cắt 2 đầu nhôm nhựa, máy ép góc, máy phay đầu số tự động, máy đột dập cửa… Tổng giá trị của các loại thiết bị này 410 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng. Ông Đỗ Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty cho biết, nguồn vốn khuyến công đã tạo động lực cho DN đầu tư các loại máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp DN giảm chi phí và tăng lợi nhuận 40% so với trước. Ngoài ra, DN còn chủ động được các đơn đặt hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ngoài 2 DN trên, thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công, nhiều cơ sở CNNT đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, đồng thời đăng ký thương hiệu… Qua đó giúp cho DN tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm cường độ lao động, giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sử dụng lao động chuyên môn hóa nên đã tạo ra được sản phẩm với giá thành hợp lý, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 cơ sở CNNT, và đều có khó khăn chung là thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. 7 năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 174 DN, cơ sở CNNT đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, số DN được hỗ trợ còn thấp, chiếm tỷ lệ gần 3%. Ngoài ra, hoạt động khuyến công chưa huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước nên mức hỗ trợ cho các cơ sở CNNT còn hạn chế. Để phát huy vai trò của công tác khuyến công, ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Khuyến công và Phát triển công nghiệp BR-VT cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở CNNT. Cụ thể là tiếp tục triển khai các đề án phù hợp với nhu cầu của các cơ sở CNNT, chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.