Vì một nghề cá "bền vững và có trách nhiệm"
Trong thời gian vừa qua, việc EU áp dụng “thẻ vàng” đã ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam nói chung, tỉnh BR-VT nói riêng. Do vậy, để sớm khắc phục “thẻ vàng”, cùng với các địa phương ven biển trên cả nước, BR-VT cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng tới phát triển nghề cá “bền vững và có trách nhiệm”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh. |
NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Thông tin đến Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về tình hình triển khai các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong thời gian qua, BR-VT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cơ quan chức năng đã tổ chức 42 lớp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và 2 hội thảo về chống đánh bắt IUU cho cán bộ thủy sản, DN và bà con ngư dân; in ấn hơn 10.000 sổ nhật ký cho từng loại nghề khai thác; cấp phát hơn 10.000 tờ rơi cho các chủ tàu, thuyền trưởng; tổ chức cho ngư dân ký 6.000 bản cam kết không đưa tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Về công tác kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm, tỉnh đã thành lập 6 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá và thường xuyên thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành thực hiện IUU tại các cảng cá. Lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 25 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện xử lý 406 phương tiện tàu cá vi phạm Luật Thủy sản. “Nhờ những biện pháp trên, nhận thức của cán bộ quản lý địa phương, cộng đồng ngư dân và DN đã được nâng cao. Các cảng cá bước đầu đã chấp hành thực hiện các quy định về công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, việc ghi chép sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ giấy tờ liên quan, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy hải sản theo quy định. Việc ghi, nộp Nhật ký khai thác, thu mua/chuyển tải của chủ tàu, thuyền trưởng có chuyển biến tốt. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cảng cá thực hiện 720 bộ hồ sơ/28.969 tấn thủy sản được xác nhận qua các cảng; 596 bộ hồ sơ/ 9.280 tấn thành phẩm được chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Chủ tàu cá, ngư dân bước đầu đã chấp hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Hiện đã có 806/2.898 tàu khai thác vùng khơi theo quy định đã lắp thiết bị thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh GPS, thiết bị giám sát hành trình”, ông Cường thông tin.
Phân loại cá tại cảng Cát Lở, TP. Vũng Tàu. |
Dù đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên, công tác chống đánh bắt IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo Luật Thủy sản 2017 vừa có hiệu lực, cảng cá có vai trò quan trọng trong việc giám sát đánh bắt. Tuy nhiên, việc kiểm soát tàu cá, thống kê và giám sát sản lượng thủy sản khai thác còn nhiều khó khăn. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, công tác quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh thiếu đồng bộ. Việc phân cấp quản lý cảng cá, bến cá chưa có sự thống nhất, dẫn đến những khó khăn trong công tác điều hành, kiểm tra xác nhận nguồn gốc thủy sản. Nhân lực, vật lực của BQL một số cảng còn thiếu, yếu nên chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số Cảng cá loại II chưa được công bố mở cảng vì điều kiện không đủ theo quy định; cảng cá loại III theo thẩm quyền giao cho UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá và công bố, tuy nhiên đến nay đa số các địa phương chưa thực hiện được vì thiếu nhân lực, chưa bố trí được thời gian tổ chức kiểm tra, đánh giá.
Phân loại cá tại cảng Cát Lở, TP. Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VINH |
Cùng với đó, qua kiểm tra, các thành viên trong Đoàn của Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ ra một số thiếu sót mà nếu đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu vào BR-VT sẽ gây ảnh hưởng lớn. Đó là các tổ chức quản lý cảng cá và các Văn phòng kiểm soát nghề cá tại cảng có lập sổ sách, ghi chép biểu mẫu nhưng chưa hoàn chỉnh, còn thiếu sót. Bên cạnh đó, công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác còn sai sót.
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN ĐỂ “GỠ” THẺ VÀNG
Theo kế hoạch, tháng 11/2019, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam lần thứ 2 để kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các khuyến nghị mà phía EC đưa ra trước đó đối với hải sản khai thác của Việt Nam nhằm bảo đảm khai thác một cách bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng minh những nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” cho khai thác hải sản. Tuy nhiên, trước những khó khăn nêu trên, ông Trần Văn Cường đề nghị, Bộ NN-PTNT cần sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản, đồng thời công bố danh mục thiết bị giám sát hành trình đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để địa phương triển khai hướng dẫn cho ngư dân lắp đặt. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển nghề cá của địa phương.
THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN: Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài Việc thủy sản Việt Nam bị EU cảnh cáo “thẻ vàng” đã gây thiệt hại nặng nề trong thời gian qua, khiến giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này nhiều khả năng giảm đến 8% so với cùng kỳ. Hiện Bộ NN-PTNT đang tích cực cùng các địa phương xây dựng kế hoạch thật căn cơ, bao gồm biện pháp hoàn thiện công tác quản lý, thiết chế cơ sở hạ tầng nghề cá và đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017. Do đó, trong thời gian tới, không chỉ ngành thủy sản mà cả hệ thống chính trị của tỉnh cần vào cuộc, không thể chần chừ, chậm trễ với mục tiêu gỡ được “thẻ vàng”. BR-VT cần tiếp tục thực hiện các biện pháp như tuyên truyền sâu rộng Luật Thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá “bền vững và có trách nhiệm”, nâng cao ý thức người dân chấp hành tốt các quy định trong hoạt động khai thác và kinh doanh thủy sản, tập trung kiện toàn hạ tầng cơ sở các cảng cá, chú ý vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành chống khai thác IUU để khắc phục những tồn tại trong thời gian ngắn nhất. |
Còn theo ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Cảng cá Cát Lở, TP. Vũng Tàu cho rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, tránh trường hợp ngư dân chuyển việc bốc dỡ cá từ cảng kiểm soát chặt chẽ sang các điểm không siết chặt việc truy xuất nguồn gốc. “Cùng với đó, tỉnh cũng cần có các biện pháp để các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản trách nhiệm hơn, nếu nắm được các tàu chưa thực hiện đúng quy định thì không thu mua, từ đó, làm cho ngư dân phải nghiêm túc hơn trong việc ghi sổ nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản. Đối với Bộ NN-PTNT, cần chỉ đạo các cảng cá trên cả nước chia sẻ thông tin về dữ liệu giám sát hành trình với nhau để thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản”, ông Hưng nói.
Trước các ý kiến đề xuất trên, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, Tổng cục đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, và đã có công văn về 28 địa phương ven biển để cập nhật thông tin, số liệu cần thiết và đã có 20/28 tỉnh cập nhật đầy đủ. Về quy hoạch cảng cá, khu neo đậu, Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT thực hiện, Tổng cục Thủy sản đang tiến hành các công tác rà soát, xây dựng và dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN