.

Triển vọng từ mô hình nuôi lươn bằng bể bạt nilon

Cập nhật: 20:12, 30/09/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bể bạt trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân. Anh Nguyễn Lê Kim Phát (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) là một trong những người thành công với phương pháp nuôi trong bể bạt sử dụng giá thể bằng sợi nilon.

Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bể bạt trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân. Anh Nguyễn Lê Kim Phát (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) là một trong những người thành công với phương pháp nuôi trong bể bạt sử dụng giá thể bằng sợi nilon.
Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bể bạt trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân. Anh Nguyễn Lê Kim Phát (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) là một trong những người thành công với phương pháp nuôi trong bể bạt sử dụng giá thể bằng sợi nilon.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Lê Kim Phát  về quê đầu tư  xây bể xi măng, đan sạp tre làm giá thể, mua 200kg lươn giống từ một cơ sở ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức về thả nuôi. Qua 14 tháng nuôi, anh thu được 1.700kg lươn thịt, giá bán 130.000 đồng/kg, nhưng  không có lãi.

Sau lần nuôi thất bại, anh Phát nhận thấy mô hình nuôi lươn bằng bể xây xi măng và giá thể bằng sạp tre khiến lươn bị trầy xước, gây bệnh ghẻ lở, lươn bị còi, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp. Ngoài ra, nuôi sạp tre cũng tốn nhiều nước, khó vệ sinh và khó phát hiện lươn bệnh, lươn ăn thịt lẫn nhau, thời gian nuôi dài, thức ăn cá xay trộn với cám viên dễ tan trong nước làm tăng chi phí. Từ đó, anh Phát đã tìm hiểu cách nuôi lươn từ các mô hình trên mạng internet và thay đổi phương pháp nuôi. Anh chuyển sang thiết kế khung sắt, lót bạt làm bể nuôi, sử dụng sợi nilon làm giá thể cho lươn trú ẩn. Anh Phát cho biết: “Lươn vốn dĩ là loài sống chui rúc, nên cần bố trí đất hoặc các loại giá thể vào hệ thống nuôi, tạo nơi trú ẩn cho lươn sinh sống và phát triển. Sử dụng giá thể bằng sợi nilon, mức nước chỉ cao 10-15cm, giúp tiết kiệm nước, sợi nilon dễ vệ sinh, chi phí lại thấp, chỉ bằng 1/5 so với hình thức cũ. Việc thiết kế bể nuôi lươn rất đơn giản, một bể bạt có diện tích 3m2 chỉ cần 26m  sắt hộp kích thước 25×25mm làm khung bao và 2m bạt có khổ 4m, đặt trên mặt nền bằng phẳng, khoét lù thoát nước để vệ sinh”. Với mỗi bể nuôi có diện tích 3m2, anh thả nuôi từ 4.500-5.000 con giống, sau 1,5-2 tháng phân cỡ, tách thành 2 bể, nuôi tiếp khoảng từ 7-8 tháng là thu hoạch. Về nguồn thức ăn cho lươn, anh dùng cám viên có hàm lượng đạm cao trộn với trùn quế theo tỷ lệ 7/3 làm thức ăn cho lươn.

Hiện nay, ngoài nuôi lươn thương phẩm, anh Phát còn tự nghiên cứu để ươm lươn giống. Với 30 khay ươm và 9 bể giống bố mẹ, mỗi tháng trung bình anh ươm khoảng 40.000 con giống, giá bán 4.500 đồng/con. Anh Phát cho biết: Ươm lươn giống hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hoạch lại nhanh hơn lươn thương phẩm (khoảng 3 tháng), tuy nhiên việc ươm lươn giống rủi ro cao nên cần nắm rõ kỹ thuật. Thời kỳ sinh sản của lươn từ tháng 2 đến tháng 9, nhưng anh đã nghiên cứu thành công và ươm lươn giống quanh năm, bằng phương pháp làm mưa nhân tạo, nhờ vậy, trang trại của anh thường xuyên có giống  để cung cấp thị trường.

Theo kinh nghiệm của anh Phát, để lươn nhanh lớn và phát triển đều, ngoài việc chọn con giống tốt, rõ nguồn gốc, thức ăn đủ lượng, có hàm lượng đạm cao thì nguồn nước nuôi cũng rất quan trọng, nhất là hàm lượng pH trong nước phải được duy trì ổn định từ 6.5-8. Ngoài ra, lươn là loại sống trong môi trường nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm bởi các loại chất công, nông nghiệp và kim loại nặng. Do đó, nguồn nước trong bể nuôi đều lấy từ giếng khoan, sau đó bơm chảy qua bể lọc, dự trữ ở bể lắng rồi mới bơm vào bể nuôi. Bể lọc cơ học gồm cát, đá mi, đá 4×6 và đá nâng pH. Đối với những khu vực nước có độ pH nhỏ hơn 5 thì nước phải cho chảy qua 2 bể lọc như vậy mới đảm bảo đúng kỹ thuật để lươn phát triển. Lươn ăn không nhiều nhưng phải đủ chất, thời gian lươn ăn chỉ trong vòng 15 phút là đủ đinh dưỡng cho 24 tiếng hoặc có thể lâu hơn. Để tránh ô nhiễm do lượng thức ăn dư thừa thời gian lâu, nước cần thay ngay sau mỗi bữa ăn của lươn (trung bình anh Phát cho lươn ăn 2 bữa sáng và tối, nước sẽ được thay sau mỗi bữa ăn 1-2 giờ đồng hồ). Sau 1,5-2 tháng, lươn sẽ được phân cỡ tách đàn nuôi riêng theo kích thước.

Nói về mô hình của gia đình anh Phát, ông Huỳnh Thanh Viễn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ cho biết: Hội Nông dân  đã phối hợp với gia đình anh Phát để hướng dẫn thiết kế bể bạt và quy trình nuôi lươn cho bà con nông dân có nhu cầu đến tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình tại địa phương.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

 
.
.
.