Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, chủ đầu tư các dự án nhà ở phải bố trí quỹ đất và xây dựng các công trình công cộng như trường học, trạm xá trong dự án. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm quy định này, dẫn đến tình trạng nhiều khu nhà ở đã hoàn thành nhưng không có trường học, trạm xá.
Dự án Khu đô thị Chí Linh hiện còn thiếu một số công trình công cộng dành cho người dân. Chủ đầu tư cam kết sẽ đầu tư đủ khi dự án hoàn thành. |
CHƯA ĐẦU TƯ TRƯỜNG, TRẠM
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án nhà ở đã và đang được triển khai. Theo Sở Xây dựng, đa số các dự án nhà ở này đều thuộc diện phải bảo đảm tỷ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn. Cụ thể, chủ đầu tư phải bố trí đất tối thiểu 2,7m2/người để xây dựng trường học trong các dự án nhà ở (trừ những dự án có quy mô nhỏ, dân số toàn dự án chưa đủ để hình thành một đơn vị ở).
Quy định là vậy, nhưng thực tế, nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc đầu tư công trình công cộng. Đơn cử, theo quy hoạch được phê duyệt, tại dự án Khu trung tâm đô thị Chí Linh (phường 10, TP. Vũng Tàu) phải có các công trình công cộng gồm: 3 trường MN, 3 nhà trẻ, 2 trường TH, 1 trường THCS và 1 trạm y tế. Tuy nhiên, trong dự án còn 1 trường TH và 1 trường MN cùng 1 trạm y tế chưa được đầu tư. Các dự án khác cũng trong tình trạng tương tự như: Dự án Khu nhà ở Công ty May xuất khẩu Vũng Tàu (Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu làm chủ đầu tư) chưa xây dựng trường MN theo quy hoạch đã được duyệt. Hay như dự án Khu nhà ở Phước Sơn (Công ty TNHH Bất động sản Phước Sơn) tại TP. Vũng Tàu đã có người sinh sống, nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư xây dựng trường TH trong phạm vi dự án nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.
Về vấn đề này, ông Trần Minh Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng cho biết: Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị Chí Linh chỉ trong 10 năm, tức là hoàn thành vào năm 2005. Tuy nhiên, quá trình thi công, do vướng giải phóng mặt bằng nên thời gian thực hiện dự án đã được Bộ Xây dựng gia hạn đến năm 2023. Vì vậy, đối với phần diện tích còn vướng mặt bằng trong khu vực dự án (hơn 17ha), thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hoàn thành sớm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình như kế hoạch đã đề ra. Trong đó, chúng tôi sẽ đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt.
Việc chủ đầu tư không tuân thủ quy hoạch trong thực hiện các dự án nhà ở đã tạo ra áp lực cho địa phương, một số địa phương phải dùng vốn Nhà nước đầu tư công trình giáo dục phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống trong khu vực dự án. Điển hình như, TP. Vũng Tàu dùng ngân sách đầu tư Trường MN phường 9 trong dự án Khu nhà ở dịch vụ Bến Đình do Công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex) làm chủ đầu tư. Huyện Long Điền cũng phải dùng ngân sách xây dựng Trường MN Long Hải 3 trong dự án Khu nhà ở Việt Hân 5 của Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân...
CẦN CHẾ TÀI CHỦ ĐẦU TƯ
Điều 35, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý đầu tư phát triển đô thị” quy định: Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân. Trong khi đó, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở” chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch.
Ông Hoàng Xuân Nguyễn, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, phần lớn các chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng các công trình nhà ở phục vụ mục đích kinh doanh, chưa quan tâm đến xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống người dân trong phạm vi dự án. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần có chế tài buộc chủ đầu tư phải thực hiện công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu của dự án trước khi thực hiện các công trình nhà ở.
Trong quá trình lập, điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ chấp thuận cho các dự án đô thị, nhà ở bảo đảm đầy đủ hệ thống công trình công cộng theo đúng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Sở sẽ hạn chế việc cho điều chỉnh quy hoạch đất công trình công cộng thành đất ở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý và giám sát việc chấp hành Luật Quy hoạch đô thị đối với vấn đề đầu tư, xây dựng hệ thống công trình công cộng theo nội dung của quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tại các dự án nhà ở. (Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng) |
Theo bà Dương Thảo Hiền, Trưởng Phòng Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, thời gian qua, tại một số khu vực phát triển dự án nhà ở, khu đô thị còn xảy ra tình trạng chủ đầu tư chưa quan tâm xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học, sân chơi, công viên, cây xanh...), làm cho khu nhà ở thiếu tiện nghi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực. Vì vậy, thời gian tới, trong công tác thẩm định các đồ án quy hoạch phát triển nhà ở, Sở Xây dựng sẽ thường xuyên rà soát các chỉ tiêu về đất phục vụ xây dựng công trình công cộng, đặc biệt là đất dành cho xây dựng các công trình giáo dục.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 35 dự án nhà ở, khu đô thị đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh “Về tình hình thực hiện các dự án nhà ở, khu đô thị bằng nguồn vốn DN trên địa bàn tỉnh” mới đây nêu rõ: Một số chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật dẫn đến nhiều công trình thiếu các tiêu chuẩn cây xanh, trường học, khu sinh hoạt cộng đồng... Vì vậy, Sở Xây dựng cần tham mưu UBND tỉnh cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bảo đảm hoàn thành các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án trước khi cho phép đưa vào sử dụng.
Theo chúng tôi, bên cạnh việc xử phạt bằng tiền chủ đầu tư chậm thi công các công trình công cộng, khi cấp phép dự án, Nhà nước cần có quy định buộc chủ đầu tư phải ký quỹ vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước khoản tiền tương ứng với giá trị các hạng mục công trình công cộng trong dự án. Khoản tiền này là nguồn tài chính bảo đảm, sẽ được giải ngân khi chủ đầu tư thi công công trình công cộng trong dự án theo quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Bài, ảnh: PHÚC MINH