Khóc ròng vì dịch tả heo châu Phi
Trong thời gian ngắn, dịch tả heo châu Phi đã xâm nhập, bùng phát và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sau đợt khủng hoảng do giá heo xuống thấp kỷ lục năm 2017, người chăn nuôi heo lại một lần nữa kiệt quệ về vật chất, tinh thần do cơn “bão” dịch tả heo gây ra.
Dù dịch tả heo châu Phi không ảnh hưởng trực tiếp đến đàn heo đang nuôi nhưng gia đình chị Phạm Thị Lệ (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) vẫn gặp rất nhiều khó khăn do heo không tiêu thụ được. |
Trước đây, ông Vũ Văn Tiên, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc nuôi gần 10 heo nái và 50 heo thịt. Tuy nhiên, thời điểm giá heo giảm sâu năm 2017 đã khiến ông thiệt hại trên 200 triệu đồng. Trong đó, khoảng 100 triệu đồng là tiền vay mượn. Sau thời gian gần như “treo chuồng”, giữa năm 2019, giá heo tăng mạnh nên ông tiếp tục đầu tư gần 20 triệu đồng mua 20 heo giống về nuôi. Đến thời điểm đàn heo thịt của ông đã đạt trọng lượng 20-30kg/con thì phát hiện bị nhiễm dịch tả châu Phi và phải tiêu hủy toàn bộ. Ông Tiên nhẩm tính: “Tính đến nay, tôi đã nuôi đàn heo được gần 2 tháng, tiền thức ăn đã tốn trên 20 triệu đồng. Cộng với chi phí giống và các loại thuốc men, tôi mất trắng trên 40 triệu đồng. Sau đợt giá heo thấp kỷ lục, đợt dịch bệnh này thực sự khiến gia đình tôi hết sức khó khăn về tài chính, không còn nguồn vốn nào để làm ăn”. Nói đến đây, ông Tiên lặng đi, thẫn thờ nhìn vào khu chuồng nuôi trống trơn mà chỉ trước đó vài tuần là niềm hy vọng của cả gia đình.
Ông Vũ Văn Tiên (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) bên chuồng trại trống rỗng đã từng là hy vọng của cả gia đình. Ảnh: QUANG VINH |
Không chỉ các hộ, trại chăn nuôi có heo trực tiếp mắc dịch bệnh thiệt hại nặng nề, dịch tả châu Phi khiến giá heo hơi giảm mạnh, khó tiêu thụ khiến toàn bộ người nuôi heo “kiệt quệ” về tài chính. Gia đình chị Phạm Thị Lệ, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang nuôi 9 heo nái và 75 con heo thịt. Để phát triển đàn heo này, gia đình chị đã vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi đã làm gia đình chị gặp nhiều khó khăn, thua lỗ, khiến việc trả nợ trở nên nan giải. Chị Lệ lo lắng: “Giá heo hơi trong thời điểm này khoảng 28-30 ngàn đồng/kg. Trong khi chi phí sản xuất thịt heo phải từ 36-38 ngàn đồng/kg. Như vậy, tôi lỗ từ 7-8 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là bán được, trong thời điểm dịch, nhiều thương lái không thu mua, có mua cũng ép giá khiến người chăn nuôi “tiến thoái lưỡng nan”. Trong trường hợp nuôi tiếp mà heo mắc bệnh hoặc giá ở mức thấp thế này sẽ khiễn lỗ càng thêm lỗ. Khi đó, nguồn vốn vay ngân hàng thực sự là một gánh nặng “treo lơ lửng” đối với gia đình tôi”.
Người chăn nuôi kiến nghị, cơ quan chức năng đơn giản hóa, đẩy nhanh việc hỗ trợ heo bị tiêu hủy do dịch bệnh. Trong ảnh: Tiêu hủy heo mắc dịch tả châu Phi tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức. |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, cán bộ Nông nghiệp xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, một số bà con phản ánh, nhiều thương lái không mua heo hoặc ép giá từ 1-3 ngàn đồng/kg khi heo không đầy đủ các thủ tục, giấy tờ. Do đó, xã đã có văn bản hướng dẫn, đồng thời liên kết với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để giúp người chăn nuôi thực hiện đúng, đầy đủ, thuận lợi và nhanh chóng các thủ tục kiểm dịch. Nhờ đó, heo thịt đã được tiêu thụ thuận lợi, giá cả cũng ổn định hơn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của những người chăn nuôi, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tài chính. Đợt khủng hoảng giá năm 2017 và 2018 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi “cạn vốn”. Vì vậy, đa số các trại, hộ nuôi heo hiện nay đều phát triển đàn từ nguồn vốn vay của các ngân hàng. Thời điểm này, giá cả xuống thấp, heo khó tiêu thụ nên khả năng trả nợ là khá khó khăn. Chị Phạm Thị Lệ cho biết thêm: “Do đó, nhiều bà con chăn nuôi có kiến nghị với chính quyền các cấp có những chính sách hỗ trợ để các ngân hàng có thể giãn thời gian thu hồi nợ để chúng tôi có thể vượt qua cơn khủng hoảng. Khi kiểm soát được dịch bệnh, có thể tái đàn, các ngân hàng cũng xem xét các hộ có đủ điều kiện để cho nông dân vay vốn, phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với heo bị dịch, phải tiêu hủy đã khiến người chăn nuôi phần nào vơi bớt khó khăn. Chúng tôi mong cơ quan quản lý các cấp có thể đẩy nhanh, đơn giản hóa các thủ tục để bà con được nhận hỗ trợ sớm, có thể kịp thời tái sản xuất thịt heo, phục vụ thị trường”.
Heo âm tính với dịch tả trong trại nuôi đã có heo mắc bệnh vẫn có thể giết mổ, tiêu thụ Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi (ASF), Bộ NN-PTNT đã ban hành Công văn số 5169/BNN-TY về việc hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch ASF. Theo đó, heo mắc bệnh, có kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi trong các hộ nhỏ lẻ, trại nuôi sẽ bị tiêu hủy theo quy định. Số heo có mẫu thử âm tính với dịch tả heo châu Phi, sẽ có những phương án xử lý như sau: * Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ: Heo cùng dãy ô, chuồng nuôi với heo mắc bệnh sẽ được nuôi cách ly hoặc giết mổ, tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện. Heo không cùng ô, chuồng nuôi với heo mắc bệnh sẽ có 2 phương án xử lý: Giết mổ, tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện hoặc vận chuyển sang các trại nuôi khác trên địa bàn cấp tỉnh. * Đối với các trang trại chăn nuôi lớn, heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng có heo mắc bệnh được chuyển đến nơi khác nuôi thuộc phạm vi cấp huyện; heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có heo mắc bệnh được giết mổ và tiêu thụ hoặc nuôi tại địa bàn cấp tỉnh dưới sự giám sát của thú y địa phương. |
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 6 huyện, thị xã, thành phố có dịch tả heo châu Phi, với hơn 1.200 con heo phải tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 66 tấn. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thời gian qua, ngoài tập trung vào công tác phòng, chống dịch, ngành thú y và các địa phương cũng đã có các biện pháp kịp thời để hỗ trợ người chăn nuôi. Theo đó, các chi phí thuốc sát trùng, vôi bột và nhân công phun xịt đều được nhà nước hỗ trợ. Theo quy định, các cơ sở chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch được hỗ trợ theo mức sau: heo con, heo thịt 25.000 đồng/kg heo hơi; heo nái, heo đực 30.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ giúp người chăn nuôi vơi bớt phần nào khó khăn trước mắt. Với việc loại dịch bệnh này chưa có vắc xin phòng và chữa nên bà con cần áp dụng khoa học, kỹ thuật và các biện pháp an toàn sinh học để vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm nguy cơ đàn heo mắc dịch bệnh”, ông Trung nói.
Bài, ảnh: QUANG VINH