Những cánh đồng đã sạch bao bì thuốc BVTV
Trong những năm qua, việc xây dựng bể thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã được triển khai tại nhiều địa phương như An Nhứt (Long Điền), Hòa Hiệp (Xuyên Mộc), Long Phước (TP.Bà Rịa)… Hoạt động này đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân, thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các đơn vị trên địa bàn xã phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời thu gom rác thải thuốc BVTV tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: QUỐC HIẾU |
Hơn nửa năm nay, từ khi được hỗ trợ xây dựng bể thu gom rác thải, bao bì thuốc BVTV tại địa phương, bà Phạm Thị Hoa (ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) luôn duy trì thói quen sau mỗi lần phun thuốc BVTV cho cây trồng liền thu gom bao bì, chai lọ bỏ vào bể thu gom rác. “Trước đây, xung quanh các rẫy trồng hồ tiêu, bắp, lúa, mỗi khi phun thuốc BVTV xong, người dân vứt vỏ, bao bì ra xung quanh. Nhiều hộ dù biết tác hại của các vỏ thuốc BVTV đối với sức khỏe và môi trường nhưng cũng không biết vứt đi đâu. Từ ngày có bể thu gom rác thải, mỗi lần sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng xong tôi và các hộ dân đều thu gom bỏ vào bể thu gom rác thải BVTV. Nhờ đó mà đến nay không còn tình trạng bao bì, vỏ thuốc BTVT vứt tràn lan như trước nữa”, bà Hoa cho hay.
Còn tại An Nhứt - một xã thuần nông của huyện Long Điền, mỗi vụ gieo trồng trên 220ha diện tích lúa, vì vậy lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm là khá lớn. Để hạn chế lượng rác thải từ các vỏ bao bì, chai, lọ đựng thuốc tại các cánh đồng, trong thời gian qua, xã An Nhứt đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom rác thải vào bể thu gom tại đồng ruộng theo quy định. Theo ông Huỳnh Trung Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Dịch vụ An Nhứt, sau hơn 5 năm thực hiện, hiện nay, trên địa bàn xã có 6 bể chứa rác thải vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV tại các vùng trồng lúa. Những bể thu gom này được đặt ở những vị trí phù hợp, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con nhưng đặt xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường. Điều dễ nhận thấy là bà con đã dần có ý thức trong việc bảo quản và sử dụng thuốc BVTV.
Ông Nguyễn Văn Bửu (ấp Phước Trung, xã An Nhứt) cho biết: “Trước đây, tôi thường bỏ bao bì thuốc trừ sâu lại trên bờ kênh. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, tôi biết việc đó có thể gây hại cho nguồn đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe nên sau mỗi lần phun thuốc, bón phân tôi đều thu gom bao bì, bỏ vào bể chứa. Bây giờ ra đồng, đường đi lối lại sạch sẽ không có vỏ bao bì của thuốc sâu”.
Hiện nay, huyện Long Điền đã có 19 bể chứa bao bì, vỏ chai lọ đựng thuốc BVTV được xây dựng. Định kỳ, mỗi năm 2 lần, bể chứa bao bì thuốc BVTV được đơn vị thu gom, xử lý theo quy định.
Tương tự, ở nhiều địa phương những nông dân canh tác các loại cây trồng khác cũng đã chú trọng việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV nhằm bảo vệ môi trường. Ông Đình Vân (thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang trồng 5,5ha với hơn 4000 gốc tiêu, trung bình đến thời điểm phun thuốc trừ sâu cho cây ông sử dụng khoảng hơn 15-20 lít thuốc BVTV các loại, lượng rác thải khá lớn. “Thay vì vứt bừa bãi trong vườn như trước đây, hiện nay sau khi sử dụng xong, gia đình tôi thường thu gom bao bì thuốc BVTV và mang đến điểm tập kết để xử lý đúng quy trình, vừa sạch sẽ lại an toàn. Bên cạnh đó, tôi đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, cho ra sản phẩm tiêu sạch và giảm lượng thuốc và phế thải thuốc BVTV”, ông Đình Vân chia sẻ.
Thu gom hơn 900kg rác thải thuốc BVTV Sáng 25/7, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh phối hợp Tập đoàn Lộc Trời tổ chức thu gom hơn 900kg rác thải thuốc BVTV trên địa bàn xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Phần lớn rác thải là bao bì thuốc BVTV được bà con nông dân tại các địa phương sử dụng từ năm 2018 đến nay. Số lượng rác thải BVTV sau khi thu gom được chuyển về nhà máy xử lý rác thải Insee Ecocycle Vietnam (tỉnh Kiên Giang) xử lý. Hoạt động thu gom, tiêu hủy rác thải BVTV nói trên nằm trong chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Trung tâm BVTV phía Nam và Tập đoàn Lộc Trời thực hiện tại 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có BR-VT. |
Tại huyện Châu Đức, với diện tích trồng trọt lên tới 35,2 ngàn ha, bình quân mỗi năm phát sinh khoảng 20 tấn bao bì thuốc BVTV. Để đáp ứng nhu cầu xử lý bao bì thuốc BVTV an toàn, ngoài số lượng bể chứa bao bì mà nông dân các địa phương tự xây dựng, hiện nay, Phòng NN-PTNT đã lên kế hoạch xây dựng thêm 20 bể chứa, dự kiến kinh phí cho dự án khoảng 1,4 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, bể chứa rác thải trên địa bàn tỉnh đã góp phần hạn chế được nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường và an toàn cho người dân khi sản xuất trên đồng ruộng. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp bà con nông dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch an toàn và bền vững, góp phần nâng cao các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Thuốc BVTV có vai trò quan trọng trong việc giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng, bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng chủng loại, liều lượng, thiếu trang bị bảo hộ hoặc lạm dụng thuốc và thói quen vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV ra môi trường đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường. Do đó thời gian qua, việc xây dựng các bể chứa rác thải trong sản xuất nông nghiệp hiện đã được thực hiện tại các huyện Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa, với sự tham gia của hơn 1.000 hộ nông dân. Chương trình đã giúp bà con nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ việc không vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trong quá trình canh tác, sản xuất bừa bãi mà đem đến bỏ vào các hố tập trung. Sau 6 năm, các đơn vị, địa phương đã thu gom được hơn 3 tấn bao bì thuốc BVTVqua sử dụng, mang đi tiêu hủy.
KIM HỒNG