.

Chấm dứt hình thức khai thác tận diệt thủy sản: Khó mấy cũng phải làm!

Cập nhật: 19:49, 24/07/2019 (GMT+7)

Theo quy định, tàu cá có công suất từ 90CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở ngoài khơi, cách bờ biển từ 24 hải lý trở lên. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá công suất lớn, đánh bắt bằng các hình thức tận diệt (ngư dân thường gọi là “giã cào bay”) gần bờ còn phổ biến trên địa bàn tỉnh. Đã đến lúc hình thức khai thác này phải chấm dứt.

Hoạt động đánh bắt bằng lưới rập gần bờ là một trong những hình thức hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Nhưng hiện nay, một số ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc vẫn dùng loại lưới này để đánh bắt.
Hoạt động đánh bắt bằng lưới rập gần bờ là một trong những hình thức hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Nhưng hiện nay, một số ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc vẫn dùng loại lưới này để đánh bắt.

CÁ NHỎ CŨNG KHÔNG THOÁT

Ngư dân Nguyễn Hữu Đức (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) làm nghề đánh bắt bằng thuyền thúng. Trước đây, việc đánh bắt khá thuận lợi, có ngày được vài chục kg cá, tôm, thu nhập hàng triệu đồng. Nhưng vài năm gần đây, ông phải đi xa hơn, chi phí tăng lên nhưng hải sản thu được vẫn rất ít, thậm chí nhiều chuyến trắng tay. Một số loại cá trước đây dồi dào thì nay không còn thấy xuất hiện như: cá heo, cá đổng, cá mối, mực nang… Ông Đức cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là hình thức đánh bắt kiểu “giã cào bay” tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Với chiều dài lưới kéo từ 500-1.000m và thả sâu tận đáy, mắt lưới nhỏ, các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé ở giữa 2 tàu kéo gần như nằm gọn trong lưới. “Có ngày, tôi đếm được cả trăm ghe, tàu cùng lúc tràn vào, cào hết nguồn lợi thủy sản từ lớn đến nhỏ vùng gần bờ”, ông Đức cho hay.

Không chỉ đánh bắt tận diệt nguồn lợi, các tàu “giã cào bay” còn thường xuyên xung đột quyền lợi với ngư dân địa phương. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (thị trấn Phước Hải) chia sẻ: “Các tàu đánh bắt giã cào gần bờ có công suất lớn, bộ lưới dày, vì vậy, mỗi lần quét qua vùng biển nào, ngoài “vét” sạch hải sản còn làm hư cả ngư cụ của ngư dân đánh bắt nhỏ, gần bờ, gây thiệt hại nặng”.

Do ảnh hưởng của hình thức đánh bắt tận diệt gần bờ, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, những chuyến biển bằng thuyền thúng lưới 2 của cha con ông Nguyễn Hữu Đức (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) không còn thu được nhiều cá, tôm như trước.
Do ảnh hưởng của hình thức đánh bắt tận diệt gần bờ, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, những chuyến biển bằng thuyền thúng lưới 2 của cha con ông Nguyễn Hữu Đức (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) không còn thu được nhiều cá, tôm như trước.

Ông Ngô Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) cho biết, thời gian qua, tình trạng ghe giã cào hoạt động gần bờ đã gây khó khăn cho ngư dân hành nghề bằng phương tiện nhỏ. Các ghe giã cào sử dụng thuốc nổ, hoặc lưới, rập không đúng quy chuẩn đánh bắt gây cạn kiện nguồn lợi thủy hải sản. Khi phát hiện, chính quyền địa phương báo cho các lực lượng chức năng như kiểm ngư, bộ đội biên phòng kiểm tra và có biện pháp xử lý. Đồng thời, địa phương cũng tuyên truyền cho ngư dân nâng cao ý thức và không sử dụng ghe cào, chất nổ để đánh bắt tận diệt.

“Giã cào bay” cũng trở thành nỗi “ám ảnh” của ngư dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ông Phan Mai Ngọc Định, ngư dân xã Bình Châu bức xúc nói: “Mỗi lần ghe giã cào tràn vào đánh bắt gần bờ là họ cào sạch tôm cá, làm hư ngư cụ. Bà con ngư dân, người đi biển, người làm lưới trên bờ, ai cũng phải vay ngân hàng để đầu tư, mua sắm ngư cụ để có thể đi xa bờ hơn. Chúng tôi mong chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý hoạt động đánh bắt tận diệt kiểu này”.

KHÓ KIỂM TRA, XỬ LÝ

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 2.202 tàu cá đánh bắt vùng ven bờ, vùng nội địa và 1.599 tàu hành nghề lưới kéo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đội tàu của tỉnh. Trong đó, các tàu cá hành nghề lưới kéo hoạt động ven bờ (giã cào bay) kéo dài từ vùng biển Bình Châu, Phước Hải đến mũi Kỳ Vân, TP. Vũng Tàu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn.

“Giã cào bay” tận diệt hải sản khiến sản lượng đánh bắt bằng phương tiện nhỏ gần bờ ngày càng kém hiệu quả. Trong ảnh: Ngư dân tại cảng Bến Lội-Bình Châu vận chuyển cá từ khoang tàu lên bờ sau chuyến biển.
“Giã cào bay” tận diệt hải sản khiến sản lượng đánh bắt bằng phương tiện nhỏ gần bờ ngày càng kém hiệu quả. Trong ảnh: Ngư dân tại cảng Bến Lội-Bình Châu vận chuyển cá từ khoang tàu lên bờ sau chuyến biển.

Ông Võ Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho hay, thị trấn Phước Hải và xã Lộc An chỉ có 2 phương tiện tuần tra chung, nhưng 1 phương tiện đã hết hạn sử dụng, 1 phương tiện công suất nhỏ, không thể ra xa bờ. Bộ đội biên phòng đã trang bị cho xã thêm 1 tàu tuần tra trên biển nhưng công suất cũng nhỏ nên không thể đi xa. Vì vậy, dẫu có phát hiện hành vi vi phạm cũng không thể xử lý vì các tàu “giã cào bay” có công suất lớn, không hợp tác, thậm chí chống đối cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Thành Cường, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT, toàn tỉnh chỉ có 1 tàu vỏ gỗ công suất 450CV để tuần tra, kiểm soát trên biển. Trong khi đó, các tàu “giã cào bay” có công suất đa dạng, nhiều chiếc lên đến hàng trăm CV. Cùng với đó, các đối tượng hoạt động nhiều vào đêm tối. Lực lượng chức năng mỏng, phương tiện nhỏ nên không thể chốt chặn, tuần tra trên biển 24/24 giờ. Khi thấy bóng dáng tàu tuần tra, tàu giã cào lập tức cắt lưới bỏ chạy. Thậm chí, một số trường hợp ngư dân trên tàu giã cào đông, gây áp lực chống lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển...

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VI vừa qua, các ngư dân và đại biểu chất vấn về việc vì sao các tàu “giã cào bay” vẫn ngang nhiên hoành hành mà không có sự can thiệp quyết liệt của các cơ quan quản lý. Thậm chí, các đội tàu giã cào còn theo dõi ngược lại các hoạt động tuần tra, giám sát trên biển của lực lượng chức năng. 

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tình trạng đánh bắt tận diệt chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế; các phương tiện hoạt động tinh vi, manh động trong khi lực lượng chấp pháp còn mỏng và thiếu trang thiết bị. Thời gian qua, một số chủ tàu đã bị xử phạt vì hành vi khai thác tận diệt, nhưng do họ hoạt động vào ban đêm, ngụy trang kỹ nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Giải pháp lâu dài và có tính ổn định là từng bước tuyên truyền vận động ngư dân chuyển đổi loại hình đánh bắt hải sản. 

Dù gặp nhiều khó khăn, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đều khẳng định, việc chấm dứt tình trạng đánh bắt tận diệt gần bờ là bắt buộc, cần phải thực hiện nhanh chóng, quyết liệt. Do đó, chính quyền các địa phương, Sở NN-PTNT và bộ đội biên phòng cần tăng cường tuyên truyền bằng tờ rơi, trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến ngư dân; từ đó giúp ngư dân hiểu được mối nguy hại tới môi trường biển của hình thức đánh bắt tận diệt gần bờ. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm. 

Ông Nguyễn Thành Cường cho biết thêm: “Sở NN-PTNT đã có kiến nghị và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây 3 trạm tuần tra trên biển tại TP. Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ để tuần tra, kiểm soát trên biển. Cùng với đó, Sở cũng đang có phương án đóng thêm 2 tàu tuần tra có công suất lớn làm phương tiện tuần tra. Sở NN-PTNT sẽ chủ động liên kết, phối hợp với lực lượng biên phòng trong tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động đánh bắt kiểu tận diệt, nhất là các trường hợp trốn tránh, thậm chí chống đối khi bị phát hiện”.

QUANG VINH - VÂN ANH

.
.
.