Hướng đến cách ứng xử mới đối với rác thải
Ngày hội tái chế chất thải chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng (sáng Chủ nhật ngày 21/7) nhưng đã thu hút gần 800 lượt người tham gia. Nhiều người dân tỏ ra hào hứng khi mang các loại rác thải có thể tái chế được để đổi lấy các sản phẩm hữu dụng khác hoặc biến chúng thành những sản phẩm có ích, bảo vệ môi trường.
Các bạn trẻ gấp giấy loại thành những chiếc giỏ xách xinh xắn. |
9 giờ sáng Chủ nhật ngày 21/7, chị Phan Thị Nhàn (tổ 10, KP 5, phường Long Tân, TP. Bà Rịa) đến Quảng trường Công viên Bà Rịa - nơi diễn ra ngày hội tái chế chất thải tỉnh BR-VT năm 2019 và mang theo 2 bao tải đựng bóng đèn neon. Theo hướng dẫn của ban tổ chức, chị Nhàn đến khu vực thu gom chất thải nguy hại để đổi lấy các tem điểm. Chị Nhàn cho biết, 102 cái bóng đèn neon hỏng này được chị gom từ năm 2013 đến nay. “Biết đây là chất thải nguy hại nên tôi không bỏ chung vào rác thải sinh hoạt hàng ngày vì nếu vỡ ra ai dẫm phải cũng nguy hiểm. Vậy nên tôi gom cất vào kho phía sau nhà. Mấy hôm rồi nghe phường thông báo và phát tờ rơi có ngày hội tái chế chất thải nên tôi mang tới ngày hội để đổi lấy điểm”, chị Nhàn nói. Được tổng cộng 51 điểm, chị Nhàn đổi lấy các sản phẩm như dầu ăn, mì gói, bột ngọt, đường, thùng đựng rác…
Rất nhiều người dân đã hào hứng mang các loại chất thải thông thường và chất thải nguy hại có thể tái chế như: bóng đèn, pin, ắc quy các loại, vỏ chai lọ đựng hóa chất, thuốc trừ sâu, chai lọ đựng dầu nhớt thải, vỏ chai PET, giấy phế liệu, vỏ hộp sữa, vỏ lon kim loại, túi ni lông đã được vệ sinh sạch sẽ… để đổi những quà tặng thiết thực từ các nhà tài trợ. Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (200, Điện Biên Phủ, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) mang theo rất nhiều các loại vỏ hộp sữa bột đã dùng, chai nhựa... đến ngày hội để lấy tem điểm và đổi quà. Chị Tâm cho biết, nhà chị có nuôi con nhỏ nên các loại hộp sữa bột rất nhiều. Đã thành thói quen, các loại hộp sữa và chai nhựa, sắt vụn... chị thường gom lại, mỗi tháng bán ve chai 1 lần.
Khi không có nhu cầu sử dụng, người dân hãy gom chất thải lại và giao cho các đơn vị thu gom tại địa phương. Đối với chất thải nguy hại như pin, bóng đèn, vỏ chai lọ đựng hóa chất; chất thải điện tử từ máy tính bàn, laptop, CPU, màn hình, máy in, fax, scan, điện thoại di động, tivi; ắc quy thải bỏ… Hàng năm, Sở TNMT đều có chương trình thu gom; đồng thời các huyện, thị xã, thành phố cũng có chương trình thu gom các loại chất thải này. |
Sau 4 giờ đồng hồ diễn ra, ngày hội tái chế chất thải tỉnh BR-VT lần thứ nhất đã đạt nhiều kết quả tích cực: Gần 2,3 tấn chất thải thu gom tại gian hàng đổi chất thải lấy quà; hơn 830kg chất thải nguy hại... Ông Nguyễn Dũng, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, ngày hội tái chế chất thải tỉnh BR-VT hướng đến gia tăng mối quan tâm và nâng cao nhận thức của cộng đồng về 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế) trong sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện mục tiêu gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị sạch, xanh, phát triển bền vững.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, tái chế chất thải là hoạt động sử dụng trực tiếp lại các chất thải hoặc qua một quá trình cải tiến, chế tạo lại chất thải để tạo thành nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc sản phẩm mới khác, được bán ra thị trường. Hầu hết các chất thải được tái chế thường ở dạng chất rắn như: đồng, nhôm, nhựa, sắt, inox... Dựa trên mức độ hư hại cũng như số lượng còn có thể sử dụng mà một số công ty sẽ thu mua lại các chất thải này để tái chế. “Mục tiêu của tái chế chất thải là nhằm làm giảm bớt sự nguy hại của chất thải đối với môi trường sống, nhằm bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người. Với những chất thải tái chế, con người có thể giảm bớt được chi phí xử lý ô nhiễm môi trường. Không chỉ thế, nếu chất thải này có thể trở thành nguồn nguyên liệu mới thì có thể giảm bớt được chi phí trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận cao hơn cho DN”, ông Hải nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ