Chính thức ký EVFTA giữa Việt Nam và EU
Chiều 30/6, tại Văn phòng Chính phủ, đại diện Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức ký 2 hiệp định gồm: Hiệp định Thương mại đầu tư (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Ảnh: THỐNG NHẤT. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện và đại sứ các nước EU, ASEAN và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tới dự và chứng kiến lễ ký kết.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng EVFTA và IPA sẽ như một “đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với EU trong các vấn đề quốc tế và Liên hiệp quốc. Sự kiện này là bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cũng mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa 2 bên, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Phía EU nhận định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa. Có thể thấy về lý thuyết, hàng Việt Nam vào EU bước đầu sẽ được cam kết tháo gỡ thuế quan nhiều hơn, trong khi thời gian để xóa thêm loại thuế này cũng ngắn hơn so với hàng EU vào Việt Nam.
Sau khi ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và sẽ có hiệu lực ngay lập tức từ năm 2020. Trong khi đó, quá trình phê chuẩn IPA sẽ mất nhiều thời gian hơn do đợi tiến độ từ tất cả các quốc gia thành viên EU.
Phát biểu tại lễ ký, Cao ủy về Thương mại của EU Cecilia Malmström ca ngợi Việt Nam và EU đã vượt qua chặng đường dài để đặt bút ký vào thỏa thuận EVFTA và IPA. Bà Malmstrom khẳng định chính những nỗ lực và sự hợp tác dài lâu của Việt Nam và EU đã hiện thực hóa hiệp định này, nêu rõ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy tương lai làm trọng tâm.
THIÊN BÌNH