.

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA): Đòn bẩy cho hàng xuất khẩu Việt Nam

Cập nhật: 17:56, 28/06/2019 (GMT+7)

Theo kế hoạch, ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký kết. Đây là cơ hội giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều và giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.  

Dự báo, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020.  Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood sơ chế bạch tuộc xuất khẩu.
Dự báo, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020. Trong ảnh: Công nhân Công ty Baseafood sơ chế bạch tuộc xuất khẩu.

DN CHỦ ĐỘNG ĐÓN ĐẦU

Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cho biết: Năm 2019, hoạt động xuất khẩu của công ty có nhiều thuận lợi, nhiều đơn hàng dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm đã được ký kết. Tính đến hết tháng 5/2019, công ty xuất khẩu 3.000 tấn hải sản, kim ngạch đạt hơn 16 triệu USD. Với đà này, năm nay, dự kiến sản lượng và doanh thu của công ty tăng khoảng 10% so với năm ngoái. 

Theo ông Tường, ngoài những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 30/6 tới, Hiệp định EVFTA được ký kết sẽ tạo sự cộng hưởng theo chiều hướng thuận lợi cho các DN xuất khẩu. Bởi, theo hiệp định này, các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu sẽ được cắt giảm thuế quan về 0%. Điều đó đồng nghĩa với việc DN sẽ giảm được chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. Đón đầu cơ hội này, DN cũng đã chủ động đầu tư kho lạnh, máy móc, thiết bị để dự trữ nguồn nguyên liệu, gia tăng sản xuất các sản phẩm tinh chế để tăng giá trị xuất khẩu.  

DN kỳ vọng, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu gia tăng và hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa sơ chế mủ cao su.
DN kỳ vọng, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu gia tăng và hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa sơ chế mủ cao su.

Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Binon ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho biết: Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu gần 100 tấn ca cao hạt và các sản phẩm làm từ ca cao sang các nước Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… Năm 2019, thị trường xuất khẩu ca cao tốt hơn, các đơn hàng xuất khẩu của công ty cũng tăng theo. Dự kiến năm 2019, công ty chế biến và xuất khẩu khoảng 300 tấn ca cao, tăng 60% so với năm 2018, kim ngạch cũng tăng khoảng 30-40%.

Nhằm tăng giá trị, công ty chú trọng phát triển các dòng sản phẩm tinh chế như bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao, chocolate. Ngoài thị trường truyền thống, để tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, công ty đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn xuất vào thị trường châu Âu như Utz, ISO 22000:2017, đầu tư máy móc, thiết bị, chuẩn hóa chất lượng nguồn nguyên liệu. Hiện công ty đang đàm phán với đối tác Pháp, Mỹ để cung cấp hạt ca cao. Nếu thành công, mỗi năm công ty sẽ cung cấp cho 2 thị trường này 100 tấn ca cao.

Tính đến tháng 6/2019, một số mặt hàng của Bà Rịa-Vũng Tàu như giày dép, cao su, sắt thép, dệt may, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đã khẳng định chỗ đứng tại một số thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Séc, Ý, Đức, Phần Lan, Thụy Điển…).

CƠ HỘI GIA TĂNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, khác biệt với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký trước đây. Theo đó, hơn 99% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ sau 7 năm EVFTA có hiệu lực… Vì vậy, hiệp định này không chỉ là điều kiện giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều mà còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới. “Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản (gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ...) là rất đáng kể”, ông Trần Tuấn Anh nhận định.

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 so với khi chưa ký hiệp định. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định này cũng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023 và tăng 7,07-7,72% đến năm 2033. Tính cộng hưởng hiệu quả và tiếp cận các thị trường, hoàn thiện thể chế sẽ giúp Việt Nam thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.