.

Tận dụng nguồn phế phẩm để chăn nuôi

Cập nhật: 17:56, 28/06/2019 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tận dụng nguồn thức ăn từ phế phẩm và phụ phẩm để chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những vậy, việc tận dụng nguồn thức ăn phế phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường.

Thu hoạch cá tại ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Pha
Thu hoạch cá tại ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Pha

Năm 2004, ông Nguyễn Ngọc Pha (ngụ ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua đất và đào ao nuôi cá. Địa hình nơi ông đào ao thả cá là đồi núi. Do chưa có kinh nghiệm, nên nhiều lần ông thất bại. Mùa mưa, chủ yếu dựa vào nguồn nước từ sườn núi và mạch ngầm trong lòng đất, nhưng vào mùa khô, các ao nuôi hầu như không có nước để thay, dẫn tới môi trường sống của cá bị ô nhiễm, sau một thời gian nuôi thả, lượng cá còn sống rất ít. 

Không nản chí, ông nghiên cứu để tìm ra loài cá phù hợp với địa hình và môi trường là cá trê, cá tra và rô phi. Đây là những loài cá ăn tạp, dễ nuôi và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sống khắc nghiệt. Từ đó, thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp, ông cho cá ăn phụ phẩm và phế phẩm (chủ yếu là mì gói và lòng gà nấu chín, cơm thừa thu mua từ các khu công nghiệp). Giá thức ăn phế phẩm chỉ 5.000 đồng/kg, rẻ hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với thức ăn công nghiệp, qua đó tiết kiệm được chi phí khoảng 50%. Thức ăn phế phẩm cũng giúp cá nhanh lớn hơn so với thức ăn công nghiệp, nên thời gian xuất bán được rút ngắn từ 4,5 tháng xuống còn hơn 3 tháng. 

Từ 2ha ao cá ban đầu, sau 1 năm nuôi thử nghiệm và thấy hiệu quả, ông Pha quyết định mở rộng lên 8 ao với diện tích 12ha. Hiện nay, mỗi năm, ông nuôi được 3 vụ, thu hoạch tổng cộng khoảng 500 tấn cá, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 1,5 tỷ đồng. 

Gia đình bà Trần Thị Bốn (tổ 5, thôn Tân Phú, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) là một trong những hộ dân nuôi heo lâu năm tại địa phương. Bà cũng sử dụng các nguồn thức ăn là rau củ (rau muống, bèo, bắp…) và phế phẩm cơm, thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp để chăn nuôi. Hiện nay, bà Bốn đang nuôi 60 con heo, trong đó có 5 con heo nái sinh sản, tự cung cấp heo giống quanh năm. Mỗi năm, bà xuất chuồng khoảng 10 lứa, thu về từ 30-50 triệu đồng/lứa. 

Bà Bốn cho biết, nuôi heo theo phương pháp này tuy tốn nhiều công chăm sóc hơn nhưng được lợi nhiều hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi loại này có giá từ 5.000-7.000 đồng/kg, rẻ hơn phân nửa so với cám công nghiệp nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Hơn nữa, heo lớn nhanh, thịt săn chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên heo nhà bà luôn được các mối quen đặt hàng trước, dù giá bán cao hơn 20.000-25.000 ngàn đồng/kg so với các loại thịt nuôi theo hình thức công nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hảo, chuyên viên Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đang có xu hướng sử dụng nguồn thức ăn phụ phẩm (rơm rạ, bã mía; sơ chế từ bắp, đậu…) và thức ăn phế phẩm (thức ăn thừa…). Việc sử dụng nguồn phế phẩm làm thức ăn giúp tận dụng được nguồn thức ăn thừa, tránh lãng phí, tránh ô nhiễm môi trường. “Trung tâm đang nghiên cứu, khuyến khích việc sử dụng phụ phẩm trong chăn nuôi, còn thức ăn là phế phẩm thì chưa có kế hoạch khuyến khích hay phát triển hình thức này. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý và thận trọng khi sử dụng phế phẩm trong chăn nuôi, bởi ngoài hiệu quả mang lại, nguồn thức ăn này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ về nguồn bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Hảo khuyến cáo. 

Bài, ảnh: KIM HỒNG

.
.
.