Tiềm ẩn nợ xấu từ khoản vay đóng mới tàu cá
Ra đời cách đây gần 5 năm, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay trong việc hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số tàu đóng mới hoạt động chưa hiệu quả, khiến việc trả nợ ngân hàng gặp khó khăn.
HIỆN ĐẠI HÓA ĐỘI TÀU
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, bước đầu cho thấy hoạt động đánh bắt thủy hải sản đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Ngành ngân hàng (NH) đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc triển khai chính sách tín dụng cho vay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh BR-VT cho biết: Tính đến đầu tháng 3-2019, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký hợp đồng tín dụng với 69 chủ tàu (9 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, 59 tàu khai thác hải sản xa bờ và 1 tàu nâng cấp) với tổng số tiền cam kết cho vay là 1.033 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 1.017 tỷ đồng, dư nợ là 935 tỷ đồng. Hiện nay, 65 tàu hoạt động hiệu quả đã tiến hành trả nợ ngân hàng với tổng số tiền 81,6 tỷ đồng.
Tài công điều khiển máy móc trên tàu 67. Ảnh: QUANG VINH |
Agribank Chi nhánh BR-VT là NH có dư nợ cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh đã ký hợp đồng tín dụng đầu tư 31 tàu, với tổng số tiền cam kết đầu tư hơn 428 tỷ đồng (chiếm 42% trên toàn tỉnh), trong đó, đã giải ngân hơn 417 tỷ đồng, số tiền thu nợ gần 28 tỷ đồng, dư nợ cho vay hiện gần 390 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh BR-VT, phần lớn các tàu đã hoàn thành đóng mới, đưa vào hoạt động và trả nợ (cả gốc và lãi) đúng hạn.
Trong khi đó, BIDV Chi nhánh BR-VT cũng đã cho ngư dân vay đóng 6 tàu, tổng dư nợ hơn 97 tỷ đồng, chủ tàu đã trả được hơn 14,3 tỷ đồng. Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh BR-VT cũng cho biết, hiện tại Vietinbank đã giải ngân cho 6 tàu với tổng số tiền gần 35 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phụng (khu phố Hải An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), Giám đốc DNTN Lộc An cho biết, DN có 18 năm gắn bó với nghề biển. Ban đầu, các phương tiện của DN chủ yếu đánh bắt gần bờ. Năm 2016, nhờ có thêm 5,2 tỷ đồng vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67, DN đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất 700CV trị giá 7,5 tỷ đồng, nâng tổng số tàu của DN lên 8 chiếc. Với đội tàu này, sau khi trừ chi phí và trả tiền công cho 110 lao động (từ 7-10 triệu đồng/người/tháng), DN thu lãi hơn 1 tỷ đồng/tàu/năm.
Còn gia đình ông Hồ Văn Ba (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng đã có nhiều năm bám biển. Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, năm 2016, gia đình ông vay 11 tỷ đồng để đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67. Sau khi hoàn thành, chiếc tàu vỏ gỗ công suất 825CV đã vươn khơi đến những ngư trường xa hơn để đánh bắt. Sản phẩm đánh bắt được cũng đa dạng và có giá trị hơn, bình quân mỗi chuyến biển gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng.
Bốc xếp cá trên tàu vỏ thép được đóng từ nguồn vốn Nghị định 67 của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (phường 3, TP. Vũng Tàu). Ảnh: QUANG VINH |
ÁP LỰC NỢ XẤU
Theo đại diện các NH, phần lớn tàu cá đã đi vào hoạt động và có nguồn thu, chủ tàu có ý thức trả nợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp chủ tàu thiếu thiện chí trả nợ. Tại BIDV Chi nhánh BR-VT có 1 chủ tàu để quá hạn trả nợ từ 23-10-2017 (dư nợ hơn 1,7 tỷ đồng, đã trả 270 triệu đồng). BIDV đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện chủ tàu này. Vietinbank cũng còn 1 tàu nợ quá hạn. Còn tại Agribank BR-VT, một số trường hợp không hoàn trả đúng hạn, xin điều chỉnh kỳ hạn nợ, xin giao tàu vì hoạt động không hiệu quả. Báo cáo của NHNN Việt Nam Chi nhánh BR-VT cho biết, hiện nay nợ xấu của chương trình cho vay theo Nghị định 67 là 72 tỷ đồng (chiếm 7,71%/tổng dư nợ).
Theo phản ánh của các NH, các nguyên nhân chính khiến việc trả nợ của chủ tàu theo Nghị định gặp khó khăn là do ngư trường cạn kiệt, một số tàu bị mắc cạn trong bến bãi do cửa biển bồi lấp, tàu hư hỏng dài ngày không thể ra khơi đánh bắt nên không có nguồn thu trả nợ.... Ngoài ra, một số chủ tàu cho rằng đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên cố tình chây ỳ không trả nợ. Bên cạnh đó, NH không quản lý được nguồn thu của tàu do chủ tàu thực hiện việc mua bán hải sản trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng khác… khiến NH khó thu hồi nợ.
Trước những khó khăn trong việc thu hồi nợ, NHNN đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 10048 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố ven biển rà soát xử lý theo quy định tại Nghị định số 17 của Chính phủ, phối hợp với ngành Ngân hàng đôn đốc ngư dân trả nợ vay đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ ngân hàng nhưng cố tình chây ỳ, không trả nợ theo cam kết thì kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước… Song song đó, NHNN chỉ đạo các NHTM thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân cũng như hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu.
(Nguồn ngân hàng NHNN Việt Nam)
|
Trước thực trạng trên, các NH kiến nghị các bộ, ngành liên quan có cơ chế riêng đối với cơ cấu kỳ hạn trả nợ, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ khi gia hạn, cơ cấu kỳ hạn trả nợ đối với chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đồng thời, mở rộng hơn đối với các nguyên nhân khách quan bất khả kháng như: tàu đắm do thiên tai; tàu không ra khơi do mắc cạn trong bến bãi do cửa biển bị bồi lấp... Ngoài ra, các NH cũng đề nghị UBND tỉnh và các ban, ngành chỉ đạo đơn vị bảo hiểm phối hợp với NH thường xuyên cập nhật danh sách các khách hàng mua bảo hiểm, hết hạn bảo hiểm theo Nghị định 67; có biện pháp chế tài nhằm quản lý hoạt động của tàu, hạn chế rủi ro trong việc xâm phạm lãnh hải và hoạt động ngành nghề theo quy định của pháp luật. Các NH cũng mong nhà nước có biện pháp hỗ trợ NH trong việc yêu cầu khách hàng vay vốn thực hiện chuyển doanh thu bán hàng về tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng để quản lý nguồn thu, thu hồi các khoản nợ đến hạn.
Đối với các khoản tiền ngư dân được hỗ trợ theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 67 và Quyết định 48 về chính sách phát triển thủy sản, khi ngư dân được hỗ trợ thì chuyển qua tài khoản của khách hàng vay vốn tại NH nơi cho vay để theo dõi và thỏa thuận với khách hàng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
PHAN HÀ-VÂN ANH