.

Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 17:38, 15/05/2019 (GMT+7)

Sau khoảng thời gian tạm lắng, dịch tả heo châu Phi đã bùng phát trở lại và xuất hiện tại Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, Đồng Nai là địa phương thường xuyên có sự trao đổi nguồn heo với BR-VT, điều này làm tăng nguy cơ loại dịch bệnh nguy hiểm này lây lan vào tỉnh.

Cơ quan chức năng đang siết chặt việc kiểm tra các phương tiện vận chuyển heo vào địa bàn tỉnh.  Trong ảnh: Cán bộ Tổ Kiểm tra liên ngành trên Quốc lộ 56, đoạn qua xã Xà Bang, huyện Châu Đức phun thuốc tiêu độc, khử trùng xe chở heo.
Cơ quan chức năng đang siết chặt việc kiểm tra các phương tiện vận chuyển heo vào địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ Tổ Kiểm tra liên ngành trên Quốc lộ 56, đoạn qua xã Xà Bang, huyện Châu Đức phun thuốc tiêu độc, khử trùng xe chở heo.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc dịch tả heo châu Phi lây lan tới Đồng Nai có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi heo của tỉnh. Nguyên nhân là địa phương này cung cấp gần 20% lượng heo thịt được giết mổ để tiêu thụ tại BR-VT, với khoảng 200-250 con/ngày. Cùng với đó, việc phát hiện dịch tả khiến sản phẩm thịt heo tại tỉnh Đồng Nai càng khó tiêu thụ, khiến nhiều thương lái vận chuyển loại sản phẩm này ra một số tỉnh lân cận, trong đó có BR-VT. Thêm vào đó, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh BR-VT khá lớn, khoảng 222 ngàn con, tương đương 52,79% trên tổng đàn heo càng khiến nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này dễ lây lan vào tỉnh.

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 12-5-2019, dịch tả heo châu Phi đã và đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bị bệnh và phải tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước).

Trước nguy cơ đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống; trong đó có việc kiểm soát các nguồn, các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo được đặc biệt chú trọng. Huyện Châu Đức là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn với trên 170 ngàn con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là địa phương có sự trao đổi nguồn heo nhiều nhất với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Đồng Nai. Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết: “Các phương tiện vận chuyển heo qua Châu Đức không chỉ từ tuyến Quốc lộ 56, nơi đặt trạm kiểm dịch động vật của tỉnh mà còn đi các tuyến đường nhỏ trong các khu vực dân sinh, rừng cao su nên rất khó kiểm soát. Do đó, huyện đã đề xuất và được tỉnh chấp thuận thành lập thêm 7 tổ lưu động và các chốt “dã chiến” nhằm kiểm tra, phát hiện kịp thời heo có dấu hiệu bệnh nhập vào tỉnh”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ heo và các sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn. Riêng các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và TX. Phú Mỹ là những địa phương giáp ranh với tỉnh Đồng Nai thành lập và đưa vào hoạt động ngay các chốt kiểm dịch nhằm tổ chức kiểm soát chặt chẽ đối với heo và sản phẩm của heo lưu thông vào địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 chốt kiểm dịch liên ngành được thành lập tại các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56 và một số tuyến đường tắt, đường nhánh nhỏ qua các lô cao su hoặc khu vực dân sinh tại huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức và TX. Phú Mỹ. Nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch là kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc heo, kiểm tra lâm sàng trạng thái của heo trên xe, nếu không có dấu hiệu bất thường các phương tiện này sẽ được phun thuốc, tiêu độc khử trùng rồi mới được vận chuyển heo vào địa bàn BR-VT.

Giá heo giảm mạnh, lượng tồn đọng trong tỉnh lớn

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá heo của tỉnh có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, hiện heo hơi có giá từ 30-35 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg so với 10 ngày trước. Bên cạnh đó, lượng heo tiêu thụ cũng giảm mạnh đột ngột, chỉ bằng 30-50% so với thông thường. Do đó, theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lượng heo tồn trong tỉnh thời gian tới sẽ khá lớn.

Bên cạnh việc kiểm soát các phương tiện vận chuyển heo ra vào tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã quyết liệt, nhanh chóng thực hiện một số biện pháp như: Mở 16 lớp tập huấn cho gần 1.000 người chăn nuôi và thương lái thu mua heo trên địa bàn tỉnh; tổ chức 14 hội thảo chuyên đề về phòng chống dịch bệnh; cho người chăn nuôi cam kết thực hiện nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Đến nay, các địa phương của tỉnh đã sử dụng hơn 4.500 lít thuốc sát trùng để tiêu độc và vệ sinh cơ giới các trại heo trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật về các địa phương để hỗ trợ, giám sát, lấy thông tin, mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu dịch bệnh hoặc phát hiện heo chết không rõ nguyên nhân. Chi cục cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin từ người dân. Ngoài công tác phòng ngừa, cơ quan chức năng cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án về nhân lực, kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện để kịp thời triển khai khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời rà soát dự phòng sẵn phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt heo và sản phẩm của heo bệnh, kể cả trong trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn”.

Ngoài các biện pháp nêu trên, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng KH-CN, nhất là các kỹ thuật chăn nuôi sinh học, vừa giảm nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi, vừa tăng chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.