Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 1.000 doanh nhân tỉnh: Cần chú trọng đến doanh nhân mới khởi nghiệp
Được thực hiện từ năm 2016, đến nay chương trình đào tạo, bồi dưỡng 1.000 doanh nhân tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nhất định. Hàng trăm doanh nhân của tỉnh đã được tiếp cận với những kiến thức mới về khởi nghiệp, quản trị DN… Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả cao hơn vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho các doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất chocolate tại Công ty TNHH thực phẩm Amazon. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
NÂNG CAO KỸ NĂNG QUẢN TRỊ DN
Cuối năm 2018, chị Phạm Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Win Win (TP.Bà Rịa) tham gia lớp học về quản trị DN do Sở KH-ĐT và Công ty TNHH Central Business Development (TP.Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức. Tại lớp học, chị Bích được tiếp cận với những kiến thức về một số chuyên đề như “Tiền mặt là vua”, “Lập kế hoạch hành động”. Qua khóa học, chị đã có thêm nhiều kiến thức về cách quản lý, tối ưu hóa khi sử dụng nguồn vốn của DN, nâng cao hiệu suất trong công việc… Chị Bích cho biết: “Các diễn giả đã giúp cho tôi hiểu rằng, trong thời kỳ hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào vận hành DN là hết sức cần thiết và mang lại hiệu quả cao. Từ đó, họ chính là người đã truyền cảm hứng cho tôi thực hiện một phần mềm giúp quản trị trung tâm; đồng thời giúp các học viên của chúng tôi học ngoại ngữ hiệu quả hơn nhiều so với trước đây”.
Còn ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty CP Liên hợp Mê Kông (hoạt động trong ngành cơ khí) đã tham gia khóa bồi dưỡng về quản trị DN chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ do Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản - Việt Nam tổ chức. Ông Bắc cho biết, khi tham gia khóa học, ông đã được các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản cung cấp các kiến thức về công nghiệp hỗ trợ như quản trị sản xuất áp dụng học thuyết Kaizen (trong tiếng Nhật là liên tục cải tiến), mô hình 5S (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ- Săn sóc - Sẵn sàng) hay cách thức sản xuất “kiểu Toyota”… Từ đó giúp lao động gắn bó với DN hơn, năng suất cao hơn, các quy trình quản trị sản xuất tốt hơn. “Ngoài việc được bổ sung các kiến thức, chúng tôi còn được tham gia chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của tỉnh do Sở KH-CN tổ chức. Qua đó DN được hỗ trợ tài chính trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, các quy trình quản trị sản xuất tốt hơn”, ông Bắc nói.
Chương trình đào tạo giúp nhiều DN nâng cao năng suất trong sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất cáp thép tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu). Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, trong 2 năm 2017-2018, đã có 9 lớp bồi dưỡng cho 488 doanh nhân; trong đó, có 1 lớp khởi sự DN, 6 lớp quản trị DN, HTX, 1 lớp quản trị DN chuyên sâu lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 1 lớp quản trị DN chuyên sâu lĩnh vực logistics. Tổng kinh phí thực hiện 924 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50%. Qua khảo sát, hầu hết học viên đánh giá các nội dung các khóa học bổ ích, phù hợp. Họ đã được cung cấp nhiều kiến thức có thể áp dụng vào thực tế để khởi sự DN.
NHIỀU HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Dù các khóa bồi dưỡng doanh nhân của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan, đơn vị tổ chức, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Số lớp học đã không đạt so với kế hoạch đề ra (9/13) do công tác chiêu sinh gặp khó khăn. Nguyên nhân do các doanh nhân thường mong muốn các lớp học ngắn hạn, từ 1-2 ngày thay vì các khóa đào tạo dài 5-7 ngày. Bên cạnh đó, kinh phí mời các giảng viên cũng khiến nhiều đơn vị tổ chức gặp khó khăn. Ông Nguyễn Kim Trường, Phó Giám đốc Sở KH-CN, một trong những đơn vị được giao tổ chức các khóa học cho biết: “Quy định hiện nay chỉ cho phép mức phí chi trả cho giảng viên tối đa 600-800 ngàn đồng/buổi. Trong khi đó trên thực tế, để mời được các chuyên gia đầu ngành, có uy tín đòi hỏi 6-10 triệu đồng/người/ngày. Vì vậy, Sở KH-CN đề nghị cần có cơ chế để nâng mức kinh phí thuê giảng viên đúng với thực tế thị trường. Bên cạnh đó, để các doanh nhân có thể tham gia các lớp học nhưng vẫn đảm bảo được công việc tại đơn vị công tác, nên tổ chức vào các ngày cuối tuần và theo các chuyên đề có tính liên kết cao”.
Để chương trình đào tạo đạt hiệu quả, các sở, ngành cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh (từ mức tối đa 50% tổng kinh phí khóa học lên tối đa 100%) đối với khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh; không thu tiền từ phía doanh nhân, cán bộ quản lý DN, HTX vì đây đều là những đơn vị nhỏ, không có nhiều kinh phí; đồng thời điều chỉnh kế hoạch đào tạo giai đoạn 2019-2020 theo hướng thống nhất để tránh trùng lặp. Ngoài ra, ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, do chương trình có hạn về kinh phí và quy mô nên chọn lọc đối tượng đào tạo phù hợp. Đó là các DN nhỏ, mới khởi nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm quản trị DN. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo cần lấy ý kiến của DN và có đánh giá, rút kinh nghiệm để đạt hiệu quả thiết thực hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, toàn tỉnh có hơn 24.000 doanh nhân hoạt động tại 11.600 DN đang góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp lớn cho ngân sách, tạo việc làm cho 60% lao động làm việc trong các thành phần kinh tế. Để giai đoạn 2 của chương trình tiếp tục mang lại hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị tổ chức cần khảo sát nhu cầu thực tế của các DN, doanh nhân để tổ chức các khóa học chuyên sâu theo nhóm ngành nghề, lĩnh vực, trong đó chú trọng đến các ngành thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó, các đơn vị tổ chức khóa học cần lựa chọn các diễn giả, giảng viên có chuyên môn, kinh nghiệm và tâm huyết để truyền tải đến các doanh nhân những kiến thức bổ ích, góp phần quản trị điều hành DN một cách hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay.
QUANG VINH