.

Người Châu Ro vươn lên thoát nghèo

Cập nhật: 09:45, 20/12/2018 (GMT+7)

Những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung nhiều giải pháp, chương trình đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc. Từ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Châu Ro đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn.

.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Châu Ro là 8.406 người, tập trung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và TX. Phú Mỹ. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Châu Ro đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Nga, vợ anh Kiệm với công việc chăm sóc đàn bò.
Chị Nguyễn Thị Nga, vợ anh Kiệm với công việc chăm sóc đàn bò.

Cách đây 10 năm, gia đình anh Đào Văn Kiệm (ấp Nhân Trí, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) luôn sống trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Do ít đất sản xuất, lại không có nghề nghiệp, nên vợ chồng anh phải đi làm thuê đủ nghề mà cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Năm 2010, Nhà nước hỗ trợ gia đình anh một con bò đực giống. Từ đây, con đường thoát nghèo của gia đình anh đã hé mở. Nhận thấy mô hình nuôi bò đực để phối giống có hiệu quả, năm 2013, anh Kiệm vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Xuyên Mộc mua thêm 3 con bò giống, mua máy xới, thuê đất trồng cỏ nuôi bò. Hàng ngày vợ anh, chị Nguyễn Thị Nga lo việc cắt cỏ cho bò ăn, vệ sinh chuồng trại, còn anh thì chở bò đi phối giống khắp nơi. Đến nay, 4 con bò đực chuyên phối giống đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Kiệm trung bình 1 triệu đồng/ngày.

“Mỗi lần cho bò đi thả giống, tôi thu từ 300 - 450 ngàn đồng. Để có bò đực đạt chất lượng, tôi chọn con giống ụ cao, tai to, đuôi dài, chân móng to, lông màu sậm đen. Chế độ ăn uống cho bò phối giống cũng phải kỹ lưỡng hơn, chuồng trại được giăng mùng để tránh ruồi muỗi”, anh Kiệm chia sẻ.

Anh Đào Văn Kiệm (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) chuẩn bị đưa bò đi phối giống.
Anh Đào Văn Kiệm (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) chuẩn bị đưa bò đi phối giống.

Không những chuyển đổi vật nuôi hợp lý, nhiều hộ đồng bào Châu Ro trên địa bàn tỉnh đã biết chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp. Điển hình là hộ anh Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), vừa kết hợp chăn nuôi dê, gà, heo rừng với cày ruộng, cuốn rơm… Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, anh Tâm vui vẻ cho biết, vừa mua thêm chiếc máy cày trị giá 175 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu mùa vụ. Nhờ có máy móc hỗ trợ việc sản xuất, kinh doanh, mỗi năm gia đình anh Tâm có thu nhập gần 100 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho 4 lao động địa phương. “Cứ 1ha ruộng, sau khi trừ chi phí, tôi thu lời 2 triệu đồng từ tiền bán rơm cho các hộ chăn nuôi bò, trồng nấm. Từ ngày có chiếc mày này, tôi làm không hết việc, vì ở các xã Bình Giã, Bình Trung, Đá Bạc có cả ngàn héc ta trồng lúa, mà tôi thì chuyên đi mua rơm ở các ruộng đã suốt lúa. Chiếc thì cày ruộng, cuốn rơm, chiếc kia thì chở rơm cuộn đi bán cho khách hàng”, anh Tâm cho biết.

Anh Đào Văn Tâm (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), kiểm tra, bảo dưỡng máy móc trước khi ra đồng.
Anh Đào Văn Tâm (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), kiểm tra, bảo dưỡng máy móc trước khi ra đồng.

Hiện nay, gia đình anh Tâm đã trở thành hộ khá trong vùng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Tâm còn tự nguyện hiến 480m2 đất làm đường nông thôn, tích cực tuyên truyền giữ gìn ANTT thôn xóm… cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Anh Đào Văn Tâm (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) với nghề cuốn rơm thành cuộn để bán cho người chưn nuôi bò và trồng nấm rơm.
Anh Đào Văn Tâm (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) với nghề cuốn rơm thành cuộn để bán cho người chăn nuôi bò và trồng nấm rơm.

Ông Trần Đình Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, toàn xã có 302 hộ đồng bào dân tộc Châu Ro, tập trung chủ yếu ở các thôn Lồ Ồ, Bình Sơn, Phú Sơn. Những năm qua, công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc luôn được UBND xã đặt lên hàng đầu. Trong năm 2018, từ các nguồn vốn của tỉnh, huyện đã hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà, 12 hố xí hợp vệ sinh, lắp đặt đồng hồ điện, nước máy, tặng bò giống, dê giống… giúp các hộ đồng bào dân tộc có điều kiện vươn lên thoát nghèo. “Những năm qua, chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Từ năm 2008 đến nay, huyện đã vận động hơn 22 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng 527 căn nhà, sửa chữa 217 căn nhà; Tổ chức 128 lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho 48.793 người… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,05% (năm 2008 là 9,14%). Điều quan trọng nhất là đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, từ đó có ý thức vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết.

“Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, năm 2018, UBND tỉnh bố trí hơn 46 tỷ đồng cho các hoạt động: Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trên địa bàn các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng các công trình thiết yếu cơ sở hạ tầng. Đến nay, 99,67% hộ đồng bào dân tộc có điện thắp sáng; 72,5% hộ được sử dụng nước máy; 98,1% hộ dân tộc có nhà ở từ bán kiên cố trở lên, 80% hộ dân tộc có hố xí hợp vệ sinh…”, ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết.

Nếu như trước đây, người dân tộc Châu Ro chỉ làm nông để đủ ăn, thì hiện nay, bà con đã có ý thức vươn lên để trở thành khá giàu. Từ sự chuyển biến này, bà con càng tin tưởng, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

.
.
.